Xuất khẩu lao động được dự báo sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường.
Xuất khẩu lao động được dự báo sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường.

Cán đích kỷ lục

Năm 2022 được coi là một điểm sáng trong công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài sau một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch. Trước đó, mục tiêu đặt ra với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 là 90.000 lao động.

Hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là con số cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2019 đã ghi nhận mức 147.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, con số này năm 2020 đã giảm xuống còn hơn 78.000 người và năm 2021 là hơn 45.000 người.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần phục hồi trong 6 tháng cuối năm, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Nhật Bản vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất năm 2022 với 67.295 người, tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 lao động, Hàn Quốc 9.968 lao động, Singapore 1.822 lao động, Trung Quốc 910 lao động, Romania 721 lao động, Hungary 775 lao động, Nga 467 lao động, Ba Lan 494 lao động và các thị trường khác. Trong năm 2022, Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria…

Thêm nhiều cơ hội

Về thị trường xuất khẩu lao động năm 2023, ông Nguyễn Du - Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á cho biết, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như Đức, cuối tháng 11 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định "những điểm chính" về cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề. Theo đó, việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho NLĐ Việt Nam với các ngành như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ô tô, chế biến thực phẩm...

Theo Bộ LĐTB&XH, dự kiến, mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2023 là đưa khoảng 110.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ theo hướng có chọn lọc, có lợi nhất cho NLĐ.

Thực tế trong thời gian qua, “cửa ải” đầu tiên với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tránh được nhiều nguy cơ cũng như va chạm với quản lý. Cơ hội việc làm sau khi về nước cũng luôn rộng mở với những người biết ngoại ngữ. Bên cạnh đó ý thức tổ chức kỷ luật tốt sẽ tạo uy tín, hình ảnh NLĐ Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động.

Chia sẻ về định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là không chỉ nâng cao số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, hỗ trợ NLĐ diện nghèo, yếu thế đi làm việc ở nước ngoài để cải thiện hoàn cảnh kinh tế của họ. Trong các nhiệm vụ kể trên, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho NLĐ đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín cho lao động Việt Nam. Vì vậy đòi hỏi chúng ta cần có chính sách cụ thể về việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và quy định trách nhiệm của các cấp, ngành; bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các hỗ trợ cho NLĐ học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường lao động ngoài nước, hợp tác với đối tác nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Vẫn theo ông Liêm, năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo NLĐ (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của NLĐ ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của NLĐ cũng như phòng tránh tình trạng NLĐ bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều thị trường tiềm năng cũng sẽ là tâm điểm chú ý của NLĐ có tay nghề trong năm 2023. Đó là Australia, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trước đó, chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, NLĐ Việt Nam có thể đến Australia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.

    
THEO LÊ BẢO