Mới 20 tuổi, nhưng Trần Thanh Hà (ngụ xã Long Hòa) đã có nhiều năm kinh qua công việc ở TP. Hồ Chí Minh. Hơn nửa năm nay, Hà làm thợ may của Công ty TNHH may TB (xã Phú Thạnh), sau khi tham gia lớp học may công nghiệp do huyện tổ chức. Hà vào việc rất nhanh, từ thu nhập ban đầu 3 - 4 triệu đồng/tháng, nay tăng lên 5 triệu đồng/tháng.

 “Thấy địa phương có công ty may, tôi rất mừng. Giai đoạn xa quê trước đây, lương tháng khoảng 9 triệu đồng, nhưng phải tốn nhiều chi phí sinh hoạt, lo toan… Bây giờ, thu nhập tuy không bằng nhưng được ở gần nhà, đỡ tốn kém, tôi còn tích góp số tiền nhỏ. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với công ty” - Hà chia sẻ.

Nơi Hà làm việc là doanh nghiệp nhỏ thành lập được 3 năm, hơn 60 người công nhân. Thu nhập của công nhân đang học việc là 3,5 triệu đồng/tháng, người có tay nghề thành thục dao động từ 4,5 - 7 triệu đồng/tháng.

 

 

Tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương

Giám đốc Công ty TNHH may TB Huỳnh Nhựt Bổn cho hay, anh biết có nhiều lao động muốn đi xa tìm việc để có thu nhập ổn định, cao hơn so với làm thời vụ ở quê. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, nhất là lao động nữ, họ rất khó sắp xếp chu toàn nguyện vọng lo cơm áo gạo tiền mà vẫn được ở gần gia đình.

Anh mở công ty tại xã Phú Thạnh, phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo từ nguồn lao động chưa có tay nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, công ty nhận 100% học viên, tạo điều kiện cho họ có việc làm tại địa phương, thu nhập ổn định. Công ty lên kế hoạch phối hợp UBND xã Phú Thạnh mở một số lớp may công nghiệp theo hợp đồng, để có nguồn lao động đáp ứng xưởng may tại xã Hòa Lạc, tiếp tục mở rộng quy mô.

Tính trên toàn huyện Phú Tân, đã có 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp với 4 hợp đồng “3 bên” và theo đơn đặt hàng của cơ sở, doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH may TB; cơ sở may Huỳnh Văn Đon (xã Hòa Lạc); cơ sở may Vàng (xã Tân Trung), 112 học viên.

Qua khảo sát, sau khi kết thúc khóa đào tạo, các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận học viên làm việc đạt tỷ lệ 83,9%, thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng. Trong nhóm nghề phi nông nghiệp, còn có nghề: Kỹ thuật phun và sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng dân dụng, điện lạnh, sửa chữa xe gắn máy… lần lượt được mở.

Đối với nghề nông nghiệp, các lớp: Kỹ thuật trồng và thiết kế vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau màu an toàn, chăn nuôi gia súc, sản xuất lúa hoặc nếp… thu hút nông dân quan tâm tham gia. Lũy kế, toàn huyện tổ chức 23 lớp nghề (20 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng và 3 lớp sơ cấp) với 583 học viên, đạt 116,6% kế hoạch.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng, đầu năm 2023, huyện tổ chức thành công Phiên giao dịch việc làm, có 18 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia. Ngoài ra, còn có 40 doanh nghiệp tuyển lao động trực tuyến thông qua sàn giao dịch việc làm, tổng nhu cầu tuyển dụng trên 10.000 vị trí việc làm.

Thông qua phiên giao dịch việc làm, 630 người được hẹn phỏng vấn, 415 người đăng ký học nghề, 70 người đăng ký xuất khẩu lao động… Bên cạnh đào tạo nghề, huyện còn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động. Theo đó, đầu năm đến nay, gần 2.500 người trong tuổi lao động có việc làm mới, đạt 81,3% kế hoạch. Lao động trong tuổi thanh niên có việc làm là 1.834 người (chiếm 75,2%); nữ 1.148 người (chiếm 47%); tỷ lệ thanh niên có nhu cầu việc làm được tư vấn đạt trên 85%.

Ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tập trung là tuyên truyền, chọn lọc đối tượng, giới thiệu chính sách ưu đãi, gương “người thật, việc thật” đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trở về tiếp tục phát triển kinh tế, phát triển nhiều kỹ năng bản thân…

Kết quả, huyện tư vấn trực tiếp cho 25 lao động có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản. Lũy kế đến nay, 95 lao động tham gia đề án xuất khẩu lao động, gồm: 55 lao động đang học; 40 lao động đã xuất cảnh; hướng dẫn hồ sơ vay vốn cho 15 lao động. Các thị trường lao động được đánh giá có thu nhập cao, chất lượng công việc tốt là: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ba Lan.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi đôn đốc, nhắc nhở xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ 3 cuộc điều tra: Người tìm việc - việc tìm người; cung lao động; nhu cầu học nghề - việc làm của lao động (hiện nay tiến độ đạt 90%). Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động, tạo nguồn cho năm 2024.

Để đảm bảo dạy nghề đạt chất lượng, thiết thực, sát nhu cầu, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát lớp nghề đã mở, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí lớp nghề đã kết thúc. Ngành cũng phối hợp thông tin đến các lao động có nhu cầu tìm việc làm trong và ngoài tỉnh…” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng cho biết.

 
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)