Tổng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh hơn 366 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển hơn 134 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 232 tỷ đồng (vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang). Tính đến ngày 6/11, chương trình giải ngân hơn 171 tỷ đồng, đạt 46,7%. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển đạt 77,2% (hơn 103 tỷ đồng); vốn sự nghiệp đạt 29,1% (hơn 67,6 tỷ đồng). Trong 19 đơn vị được phân bổ vốn, có 10 đơn vị tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh, còn lại đạt tỷ lệ giải ngân khá thấp (dưới 40%).
Để đôn đốc tiến độ giải ngân vốn chương trình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhắc nhở, đôn đốc các địa phương, đơn vị thông qua nhiều cuộc họp. Đồng thời, ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở địa bàn, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tri Tôn Lộ Thị Ngọc Hằng cho biết, ước đến cuối năm, đơn vị phấn đấu giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 96%, vốn sự nghiệp đạt 44,4%. Dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo) ảnh hưởng tiến độ do các xã, thị trấn phải thực hiện thủ tục đấu thầu. Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo) thực hiện được 9/11 dự án, còn lại đang chờ thẩm định.
Liên quan dự án 2, nhiều địa phương chia sẻ gặp khó, bởi đa phần hộ dân không có đất sản xuất để thực hiện. Việc lựa chọn mô hình đảm bảo vừa đúng đối tượng, vừa đủ điều kiện tiếp nhận vốn không nhiều, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các cuộc đối thoại tổ chức theo cụm xã, thị trấn tại huyện Phú Tân, ghi nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đa số muốn được hỗ trợ mua bán nhỏ, ngành nghề khó tập trung. Bên cạnh mô hình hỗ trợ con giống để chăn nuôi, Phòng LĐ-TB&XH huyện đang mở rộng một số ngành nghề phi nông nghiệp, tiếp tục tập trung hỗ trợ mô hình nông nghiệp.
Trao hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện kinh tế
Qua đánh giá chung, việc thẩm định và phê duyệt dự án 3 và 4 của cấp huyện còn chậm, ảnh hưởng kết quả giải ngân nguồn vốn được phân bổ trong năm sẽ không đạt kế hoạch. Riêng dự án 4 liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững, các địa phương khó mở lớp nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu là định mức hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tham gia học nghề tương đối thấp, trong khi lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã học qua nghề, đi làm thuê… Bên cạnh đó, tỉnh chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá trong công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể đối tượng lao động có thu nhập thấp, nên khó thực hiện…
Trong tồn tại và những hạn chế chung, còn có trách nhiệm của lãnh đạo, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương. “Một số nơi trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, không chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thiếu quyết liệt trong triển khai khi được giao vốn. Có nơi chưa đưa ra giải pháp phát huy sức mạnh cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội. Một số cơ quan, đơn vị chưa giải ngân vốn chương trình, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của tỉnh. Khó khăn nữa là năng lực cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo ở cơ sở không đồng đều, nên việc tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, đồng bộ” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly thông tin.
Thời gian còn lại của năm 2024, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động giảm nghèo bền vững. Các cơ quan, đơn vị, địa phương (có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh hoặc chưa giải ngân) cần có kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo kế hoạch đề ra. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân.
Sở LĐ-TB&XH định hướng cho các địa phương, đơn vị chọn những nơi đang thực hiện tốt để học hỏi, vận dụng phù hợp tại nơi đạt kết quả thấp. Đặc biệt, cần quan tâm xử lý vướng mắc phát sinh ngay ở cơ sở; hướng dẫn, trả lời kịp thời. Song song với thực hiện chương trình, phải tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan chức năng trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các hoạt động giảm nghèo tại địa phương.