Chính sách ưu việt, thiết thực

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, BHTN là một trong những chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, với mục tiêu hỗ trợ người lao động duy trì công việc, bù đắp một phần thu nhập nếu không may mất việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, hậu quả đại dịch Covid-19 để lại ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thị trường lao động nói riêng, nhiều lao động bị mất việc làm, BHTN đã kịp thời giúp người lao động duy trì cuộc sống.

Vì vậy, song song với việc chủ động tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, các cơ quan chi trả còn hỗ trợ, kết nối kịp thời cho người lao động có thêm nguồn thông tin đầy đủ, giúp họ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Để bảo hiểm thất nghiệp là điểm tựa vững chắc cho người lao động -0
Người dân tham gia phiên giao dịch việc làm tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.   Ảnh: AG

Về quyền lợi khi tham gia, Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang cho biết, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Ngoài ra, theo Luật Việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ chi phí học nghề; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Nâng cao hiệu quả giải quyết chính sách 

Hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cũng là một trong những điểm nổi bật của chính sách BHTN, song, thực tế, thực hiện được điều này không dễ.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang đã tham mưu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định chính sách BHTN cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN bằng nhiều hình thức đã dạng, phong phú, phù hợp thực tế địa phương. Trực tiếp trả lời, giải đáp thắc mắc của người sử dụng lao động và người lao động trên website, qua điện thoại hoặc giải đáp trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận BHTN. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội tỉnh kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và vấn đề phát sinh liên quan đến chính sách BHTN.

Bà Phạm Thị Kiều Nương (huyện An Phú) chia sẻ, trước đó, bà làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, công ty gặp khó khăn nên mất việc làm, phải trở về quê. Bà đã nộp hồ sơ và được hỗ trợ hưởng BHTN, giúp xoay sở khó khăn trong thời gian chưa có việc làm mới.

Cũng nộp hồ sơ như bà Nương, bà Nguyễn Thị Ngọc Trân (huyện Châu Phú) cho biết, khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký hưởng BHTN, mọi người rất nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, tư vấn học nghề miễn phí như kế toán, nấu ăn, chế biến nước uống, trang điểm, may… Từ đó, giúp bà sớm tìm được công việc phù hợp với điều kiện bản thân.

Cùng với việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết hồ sơ BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thường xuyên phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, góp phần đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm, giúp người lao động bị mất việc làm tiếp cận một cách tốt nhất thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động thông qua kết nối doanh nghiệp với người lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp; tăng tỷ lệ hỗ trợ người lao động thất nghiệp tham gia học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Song song với đó, tiếp tục đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền chính sách việc làm, học nghề, BHTN đến người sử dụng lao động và người lao động, tạo sự đồng thuận và chấp hành tốt quy định pháp luật.

 
Theo Hải Yến (Báo Đại Biểu Nhân Dân)