Sau hơn 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP LÀ ĐIỂM TỰA CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NHƯNG CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Tuy nhiên, bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế. Tại Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã chỉ rõ: chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều điểm bất cập.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế, trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp như còn giới hạn trong phạm vi địa phương nên tính liên kết. Liên thông còn yếu, hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động
Về nhân sự, chủ yếu từ 3 nguồn: biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động. Do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn…
NÂNG CAO NĂNG LỰC HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN VÀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, ngành lao động đang nỗ lực sửa đổi bổ sung các chính sách. Trong đó có đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan và đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” đã được phê duyệt là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn vướng mắc, trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Nói về Đề án này, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay Đề án đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể. Đó là, đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; 100% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; 15% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo.
Cùng với đó là hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về Bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội;
100% nhân sự thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm được đào tạo, được cấp chứng chỉ nghiệp vụ và bồi dưỡng chuyên sâu;
100% trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa; thực hiện tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 85%… Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2030: chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 90%.
Đề án đã đưa ra 12 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nhấn mạnh đến việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề án cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất về bảo hiểm thất nghiệp đối với Quốc hội, Chính phủ trong đó nhấn mạnh về việc hoàn thiện chính sách việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm: xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp thành chính sách bảo hiểm việc làm và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW: "Toàn bộ chi phí tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp . Các hoạt động khác của trung tâm dịch vụ việc làm do Ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn hợp pháp khác".
Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được chú trọng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.