Đây là một trong những đề xuất được đưa ra tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/12.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Phan Văn Anh đánh giá, Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành sát với tình hình thực tiễn. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tích cực với các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BHXH Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)… làm tốt công tác tham mưu. Vì vậy, khi triển khai Nghị quyết vào thực tế, việc tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu dừng triển khai các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ LĐ-TB&XH có thể nghiên cứu, tiếp tục đề xuất với Chính phủ một chính sách tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động ở các địa phương vẫn còn khó khăn.
Vừa qua, Công đoàn thống kê khoảng nửa triệu lao động tại hơn 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng việc làm bởi doanh nghiệp khó khăn, giảm đơn hàng, cần được hỗ trợ.
"Trong bối cảnh hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH, các Bộ, ngành có thể nghiên cứu, tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách hay một nghị quyết giống như Nghị quyết 68 để hỗ trợ lao động bị mất, việc, ngưng việc do cắt giảm đơn hàng", ông Phan Văn Anh đưa ra ý kiến.
Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh cho biết, dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, cơ quan này cũng đang nghiên cứu để có gói hỗ trợ thêm cho đoàn viên, người lao động bị giảm việc, mất việc làm. Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành cùng tính toán để xây dựng, trình Chính phủ có chính sách giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
"Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngoài việc đã hỗ trợ đoàn viên người lao động 500.000/người, công đoàn đang nghiên cứu hỗ trợ một lần nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng mức 3 triệu đồng, tạm chấm dứt hợp đồng hỗ trợ mức 2 triệu", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vi Thị Hồng Minh cho rằng, đề xuất này sẽ khó triển khai do liên quan đến tiêu chí hưởng thụ, thời gian thực hiện. Tạm thời, cần nghiên cứu hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Quan tâm tới chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đại diện VCCI cho hay, trong chuyến đi nắm bắt tình hình của doanh nghiệp và người lao động ở các địa phương hai tuần trước, đơn vị này nhận định có nhiều doanh nghiệp gặp khó do cắt giảm đơn hàng. Tuy vậy, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhiều như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Dự báo quý I và quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để doanh nghiệp có cơ hội trả lương cho người lao động nhằm giữ nguồn nhân lực; kết nối nguồn hỗ trợ này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Giai đoạn doanh nghiệp phải cho lao động ngừng việc chính là thời điểm phù hợp để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất", bà Minh nhấn mạnh.
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động bị mất việc, ngưng việc.
"Quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ thế nào, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả, giảm thủ tục hành chính nhiều nhất. Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh. Đó là cái khó cần phải bàn để thời gian tới làm tốt hơn", Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nêu quan điểm.