Với số lượng tăng nhanh và sự đóng góp không hề nhỏ như vậy, nhưng bên cạnh những cơ hội, phụ nữ Việt Nam di cư lao động nước ngoài phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ, bảo vệ từ khung pháp lý cho tới những hành động cụ thể.

Tâm sự người trong cuộc

Hội thảo “Di cư lao động nước ngoài - Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam” nằm trong khuôn khổ các hoạt động của dự án “Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, do TƯ Hội LHPN Việt Nam và cơ quan của Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức.

Khi kể lại câu chuyện của mình tại Hội thảo, chị Lê Thị Xuyến - thành viên Nhóm di cư an toàn (thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết “Không phải ai cũng may mắn như tôi khi đi lao động ở nước ngoài”. Theo chị, tháng 4/2012 chị đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, trước đó chồng chị đã làm việc tại công ty cơ khí sản xuất linh kiện ô tô, điều hòa tại đây. Khi sang Malaysia, chị làm cùng công ty với chồng, công việc 8 tiếng/ngày, tăng ca được trả lương thêm, nơi ở được chủ sử dụng lao động cho ở không mất tiền, lương được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân rất đúng thời hạn và không nợ lương…

“Bản thân tôi may mắn khi làm việc trong điều kiện như vậy, nhưng tôi được biết trên thực tế cũng có một số lao động đi xuất khẩu đang phải đối mặt với các nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột và phân biệt đối xử như: nhiều chị em không gặp được chủ tốt, không được ăn uống tử tế, thức ăn thì thiếu thốn phải ăn đồ đông lạnh hàng tháng trời, hoặc có thịt, cá nhưng rau hiếm nên khi về có chị em ốm yếu, xanh xao. Nhiều chị em sang nước bạn chưa quen môi trường, phong tục tập quán nên chưa thích ứng được và bị chủ nhà bắt làm việc quá thời gian, trả lương chậm trễ. Không ít người thất vọng với hoàn cảnh lao động nên bỏ trốn ra ngoài làm việc tự do, dễ dẫn đến việc bị áp đặt, đe dọa, cưỡng bức lao động, bạo lực tình dục…”, chị Xuyến cho biết.

Cũng theo chị Xuyến, ở thị trấn Lang Chánh nơi chị sinh sống, số lượng phụ nữ tham gia xuất khẩu lao động những năm gần đây ít, bình quân mỗi năm có khoảng 1 - 2 phụ nữ đi. Từ năm 2022, Hội LHPN Lang Chánh đã thành lập Nhóm di cư an toàn sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng để trang bị, định hướng cho chị em trong độ tuổi có ý định đi xuất khẩu lao động có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để trang bị cho bản thân. “Từ thực tế trên có thể thấy nhiều chị em chưa nắm được các kỹ năng cũng như các luật trong lao động, các luật liên quan đến xuất khẩu lao động, các địa chỉ hỗ trợ người xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài…”, theo chị Xuyến.

Nhiều thách thức và rào cản

Có một thực tế là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, lao động Việt Nam đang có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và khi trở về cũng góp phần nâng chất cho lực lượng lao động. Lượng kiều hối từ lao động theo hợp đồng mỗi năm khoảng 3 - 3,5 tỷ USD. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu nhân lực tại các nước tiếp nhận lao động đang có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, theo phân tích của bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Hội thảo, khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới ở một số thời điểm, cụ thể như: trước khi đi lao động ở nước ngoài, lao động nữ có xu hướng ít được tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp. Các nội dung đào tạo trước khi ra nước ngoài chưa thật sự nhạy cảm giới, chưa quan tâm đến các vai trò giới đặc thù của phụ nữ.

Trong quá trình lao động ở nước ngoài, kết quả một số nghiên cứu cho thấy lao động nữ có điều kiện lao động nặng nhọc, điều kiện sống khó khăn, có nguy cơ bị lạm dụng, bó+c lột lao động, thậm chí xâm hại tình dục. Trong khi đó, họ có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm hỗ trợ pháp lý; gia tăng căng thẳng, nảy sinh tâm lý cô đơn, sợ hãi.

Sau khi lao động trở về và tái hòa nhập cộng đồng, lao động nữ gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm có thể phát huy được tay nghề. Tình trạng khá phổ biến là người lao động di cư ít nhiều học được kỹ năng chuyên môn trong quá trình lao động ở nước ngoài (70%) nhưng lại ít được áp dụng ở quê nhà khi trở về (3%)… Khi hồi hương, lao động nữ di cư còn có thể phải đối mặt với các rạn nứt trong hôn nhân và gia đình, thậm chí cả bạo lực gia đình.

Câu hỏi đặt ra ở đây là cần làm gì để hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ di cư từ khung pháp lý cho tới những hành động cụ thể? Theo bà Lê Hồng Việt - Học viện Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh khung chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương thì vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ di cư; khâu tư vấn, giới thiệu hỗ trợ việc làm; vai trò của Hội LHPN trong hỗ trợ lao động nữ hồi hương hòa nhập xã hội rất quan trọng.

Những năm qua, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống di cư trái phép, ban hành hướng dẫn phổ biến thông tin về pháp luật và các chính sách thúc đẩy di cư lao động an toàn. Hội cũng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, nạn nhân bị mua bán trở về và phối hợp với các cơ quan có liên quan góp ý, phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, Hội phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và mua bán người dựa vào cộng đồng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ di cư hồi hương, tăng cường nhận thức về di cư an toàn và khả năng ứng phó cho lao động nữ di cư…

Ở góc độ người đã từng tham gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài cũng như đang theo sát tình hình địa phương, chị Lê Thị Xuyến nêu kiến nghị, mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm đến công tác tập huấn, tuyên truyền pháp luật lao động, công khai rộng rãi thông tin về doanh nghiệp có giấy phép đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Chính quyền địa phương khi giới thiệu các công ty tư vấn xuất khẩu lao động cần quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn các công ty uy tín tư vấn cho người lao động bảo đảm chế độ chính sách. Các công ty tuyển dụng cần cung cấp nhiều hơn nữa các kiến thức, kỹ năng cho người lao động để tham gia lao động tại các nước phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc cũng như phong tục tập quán, nền văn hóa của họ để thuận lợi trong công việc và giao tiếp… 

 
Theo Hồng Minh (Báo Pháp Luật)