Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các hình thức như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản; chương trình lao động kỹ năng đặc định; chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; lao động xây dựng, đóng tàu.

DOANH NGHIỆP TỒN TẠI NHỜ PHÍ DỊCH VỤ?

Trong những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.

Mặc dù vậy, lao động Việt Nam phải trả phí cao để sang làm việc tại nước này, với khoảng 192 triệu đồng Việt Nam (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng, (theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài).

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14, ban hành năm 2020, có hiệu lực 1/1/2022 thì thực tập sinh kỹ năng, hộ lý, lao động đặc định Việt Nam khi đi làm việc tại Nhật Bản sẽ không phải trả tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền giáo dục định hướng.

Người lao động sẽ chỉ phải trả tối đa 1 tháng lương theo hợp đồng cho 1 năm làm việc, tối đa không quá 3 tháng lương và được trừ đi phần phí quản lý, phí dịch vụ do bên tiếp nhận chi trả. Đối với tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, người lao động chỉ chi trả một phần theo quy định, đối với lao động đặc định thì bên tiếp nhận hỗ trợ toàn bộ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) nhìn nhận, khi nói đến vấn đề tuyển dụng lao động công bằng, có đạo đức là liên quan đến nhiều nội dung, song chi phí là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi lẽ chi phí đi Nhật Bản hiện rất cao và cần được cải thiện, cao hơn Trung Quốc, và cao hơn rất nhiều lần so với Indonesia, Philipines.

Đi lao động ở Nhật Bản: Không chỉ là giảm phí, cần tính đến tiền lương - Ảnh 1

"Doanh nghiệp tuyển dụng, xuất khẩu lao động tồn tại được hay không cũng là nhờ phí dịch vụ.

khi nói đến vấn đề tuyển dụng lao động công bằng, có đạo đức là liên quan đến nhiều nội dung, song chi phí là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi lẽ chi phí đi Nhật Bản hiện rất cao và cần được cải thiện, cao hơn Trung Quốc, và cao hơn rất nhiều lần so với Indonesia, Philipines".

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Doãn Mậu Diệp.

Tuy nhiên, ông Diệp cho rằng các doanh nghiệp tuyển dụng, xuất khẩu lao động tồn tại được hay không cũng là nhờ phí dịch vụ. “Phí dịch vụ để đảm bảo bù đắp các chi phí từ khai thác hợp đồng, tuyển dụng lao động, quản lý hỗ trợ lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Phần này phải đảm bảo bù đắp đủ những chi phí đó để doanh nghiệp có lãi, đảm bảo hoạt động và phát triển”, ông Diệp nói.

Để hạn chế tình trạng lao động phải mất phí cao để đi Nhật Bản, bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA), thông tin thêm: "Nhật Bản và Việt Nam đang thúc đẩy chương trình hoạt động không mất phí theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, cải thiện tình trạng phải trả chi phí cao, mang gánh nặng nợ nần số tiền lớn của thanh niên Việt Nam khi sang Nhật".

JIFA đã liên kết với Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực Việt Nhật thực hiện dự án Phí 0 đồng ở Hà Tĩnh từ năm 2014, đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh. Dự án lựa chọn mỗi huyện giới thiệu 2 học sinh xuất sắc và hỗ trợ học phí trong 4 năm từ lớp 9 cho đến hết trung học phổ thông và hiện thực hoá ước mơ đến Nhật Bản mà không phải vay nợ cho các em.

CẦN SỰ NỖ LỰC TỪ NHIỀU PHÍA

Việc giảm phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và thị trường Nhật Bản nói riêng đang được các cơ quan liên quan thúc đẩy với nhiều nỗ lực. Song theo các chuyên gia, cùng với giảm phí cần tính toán thêm các yếu tố khác.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương, những doanh nghiệp liên quan đến công tác tuyển chọn, phái cử cần thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài. Đi cùng với đó, cần có cơ chế giám sát các doanh nghiệp tham gia chương trình giảm chi phí xuống mức 0 đồng, để tránh việc bắt tay nhau cạnh tranh không lành mạnh.

“Trước hết cần sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, nghiệp đoàn, sau đó cần cơ chế giám sát với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, hiệp hội, cơ quan quản lý lao động địa phương, cũng như các bộ, ngành, tổ chức có liên quan từ phía Nhật Bản, làm sao để thực hiện việc tuyển chọn công bằng, công khai, minh bạch, nhằm giảm chi phí cho người lao động, thực tập sinh, tiến tới có thể về mức 0 đồng”,  ông Hương chia sẻ.

Dù thời điểm đưa mức phí về 0 đồng là chưa thể xác định được, nhưng đây là mục tiêu cả hai bên đang hướng tới để giảm chi phí ở mức thấp nhất, giúp cho càng nhiều thực tập sinh được đi làm việc tại Nhật Bản không phải trả phí.

Thực tế, một vài chương trình như đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thì tất cả chi phí do Chính phủ hai nước chi trả, hay chương trình IM Japan cũng có chi phí rất thấp. Song nghịch lý là với các chương trình vừa đề cập lại rất khó tuyển chọn đủ chỉ tiêu, do đó cần cân nhắc ngoài vấn đề giảm chi phí cần phải tính đến các yếu tố khác.

“Câu chuyện giảm chi phí trước lúc đi chỉ là một vấn đề, ngoài ra cần tính đến các điều kiện làm việc của người lao động, chế độ đãi ngộ như thu nhập, các phúc lợi khác ở nước ngoài”, ông Hương nhấn mạnh.

Cho rằng, con đường đi đến chi phí 0 đồng, tuyển dụng có đạo đức và công bằng vẫn còn là con đường dài, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Doãn Mậu Diệp đánh giá, việc này sẽ được rút ngắn hơn nếu có sự phối hợp của nhiều phía, và đòi hỏi sự nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, quá trình giám sát đánh giá, cũng như nỗ lực từ phía tiếp nhận.

“Bao nhiêu doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình phí 0 đồng, bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để giảm chi phí cho người lao động, cơ chế giám sát đánh giá thế nào, liệu người lao động đi theo chương trình phí 0 đồng có chịu thiệt thòi hơn về tiền lương, thu nhập, phúc lợi so với những người đi theo chương trình có phí không? Lí do gì chương trình phí 0 đồng khó thu hút người lao động, có phải vì tiền lương, thu nhập thấp hơn là rất nhiều câu chuyện cần phải bàn”, ông Diệp băn khoăn.

Theo Nhật Dương (Báo VnEconomy)