Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành cũng như ghi nhận ý kiến đóng góp của độc giả nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "BHXH lập luận rằng "... tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn" tức là khoảng 45, 47 tuổi mới tham gia. Vậy BHXH có thống kê được số người tham gia muộn hay không? Số người tham gia muộn chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trên hệ thống? Muốn thuyết phục được mọi người đồng thuận cần phải có số liệu so sánh để nhìn vào ai cũng thấy được tính ưu việt của dự thảo".

Doanh nghiệp nào thuê lao động ngoài 40? - Ảnh 1.

Bạn đọc Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: "Chúng ta không thể làm, nói gì hơn khi việc làm hay nghỉ không do chúng ta hoặc do BHXH quyết định mà là do các ông chủ quyết định. Nên nhớ rằng các doanh nghiệp luôn thay đổi nhân sự (để giảm mức lương và tránh đóng BHXH), vì NLĐ càng làm lâu thì càng phải trả lương cao, họ chấp nhận tuyển mới dù tay nghề thấp nhưng có sức lao động trẻ, đặc biệt là lương thử việc và lương khởi điểm thấp hơn so với NLĐ thâm niên. Do vậy, doanh nghiệp tìm mọi cách thay đổi nhân sự, loại những người 45, 50 tuổi nhất là ở những DN sản xuất". Bạn đọc tên Tuấn góp ý: "Có nhiều người lao động đóng BHXH 30 năm, đến 50 tuổi thì doanh nghiệp sa thải. 50 tuổi thì ai tuyển mà làm nữa, may ra thì làm bảo vệ. Trong khi đó số năm đóng BHXH 30 năm vẫn phải chờ tận 62 tuổi, tức là 12 năm nữa mới lĩnh hưu".

Bạn đọc Võ Nguyễn Ngọc Anh nhận xét: "Bài báo đăng các ý kiến rất xác đáng. Tôi cũng đồng ý với việc xem xét giảm tuổi được nghỉ hưu cho người lao động. Đồng thời quy định mở cho những người mong muốn được tiếp tục làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu nếu họ còn đảm bảo sức khỏe, năng lực và kinh nghiệm trong công việc". Cùng góc nhìn, theo bạn đọc Dương Công Tuấn, giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý, vì không có một Doanh nghiệp nào tuyển dụng ở tuổi ngoài 40 tuổi. Hơn nữa những nhà làm luật không nên cào bằng tuổi giữa công viên chức nhà nước với người lao động làm tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nào thuê lao động ngoài 40? - Ảnh 2.

 

Bạn đọc Lê Công Hòa góp ý: "Nên căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm để trả lương hưu, thay vì căn cứ vào tuổi nghỉ hưu. Cứ trên 50 tuổi là được nghỉ hưu. Ai muốn làm thêm có thể làm tới 65 tuổi". Tương tự, bạn đọc Võ Ngọc Thu, đề xuất: "Theo tôi nên lãnh lương hưu theo số năm đóng bảo hiểm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít thì mới công bằng. Theo bạn đọc Hà Minh Tuế, nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng nên đóng ít hưởng ít. "Luật nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu đi ai đóng BHXH đủ 20 năm là có quyền được nghỉ hưu ai đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng thêm nhiều năm để hưởng mức lương hưu tối đa. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để có những quyết sách phù hợp tránh tình trạng ngày càng nhiều người rút BHXH một lần khi đó chính sách an sinh xã hội ngày càng khó đạt được" - bạn đọc này bày tỏ.

Hiến kế hoàn thiện chính sách, bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh cho rằng cần chia đối tượng lao động ra làm nhiều loại để áp dụng thời gian nghỉ hưu phù hợp, không duy ý chí, đánh đồng người lao động nặng, độc hại, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo với người ngồi bàn giấy máy lạnh, xe pháo đón đưa "mưa không đến mật, nắng không đến đầu" được. "Công nhân lao động sức đâu mà làm đến 60, 62 tuổi. Mà cho dù còn sức thì cũng không có doanh nghiệp nào để cho làm, họ sa thải từ hồi 45, 50 tuổi kia". Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Giảm tuổi nghỉ hưu sẽ bình ổn người rút hơn..Chúng ta đã phải chịu số năm đóng giống nhau nhưng môi trường làm việc lại khác nhau và khi môi trường làm khác nhau thì không thể đợi quá già mới có lương hưu được. Họ sẽ chết bởi bệnh tật nghề nghiệp mà chưa biết lương hưu ra sao".

Một chuyên gia giấu tên góp ý: "Việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 là ý tưởng hay, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu. Do vậy, đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức cần tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu".

Trong các năm 2016-2021, cả nước có hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút một lần. Tương đương 1 người tham gia lưới an sinh này thì có 1 người rời khỏi. Phần lớn người rút BHXH làm việc trong doanh nghiệp, tức là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc cắt giảm giờ làm, việc làm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 
 
Theo An Chi, Ảnh: Hoàng Triều (Báo Người Lao Động)