"Tháng 12 năm 2023, vậy là đã sang tháng cuối cùng của năm. Mới đó mà đã qua 4 lần mùa đông ở Nhật Bản. Không biết ở nhà bố mẹ thế nào, vì đã 4 năm rồi mình chưa về nhà ăn Tết…", anh Vũ, lao động tại Nhật Bản, nghẹn ngào.
Tết nhưng không vui nổi
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi gần đến thời khắc giao thừa, mẹ của anh Đặng Văn Vũ (25 tuổi, quê tại Gia Lai) gọi điện sang với giọng gấp gáp: "Tết này có về không con?",
Vừa đáp lời mẹ, Vũ vừa rơi nước mắt vừa nói: "Chắc con không về được đâu mẹ ơi, năm nay bận rộn quá". Khi ấy, Vũ đang phải cố nén cơn đau do tai nạn lao động một tuần trước tết Nguyên đán 2021.
Anh bị gãy mũi và chấn thương vùng đùi phải do bê tông đổ vào người. Với gương mặt đầy vết băng bó, anh chỉ có thể che camera khi đón giao thừa qua điện thoại cùng gia đình.
"Đó là một cái Tết buồn. Mỗi lần nghe bố mẹ hỏi có về không, tôi chỉ ngập ngừng biện đủ lí do. Sự thật là những chuyến đi như vậy rất tốn kém, tôi muốn dành dụm tiền để lo cho bố mẹ hơn", anh Vũ bộc bạch.
Anh Vũ đến Nhật Bản làm việc từ 4 năm trước. Do công việc bận rộn, vất vả, thu nhập nay lại bị giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, anh Vũ đành "trốn" quê.
Trước đây, anh Vũ làm nhân viên vận hành máy xây dựng. Bước sang năm thứ 4 làm việc tại Nhật, anh chuyển sang làm nhân viên bảo dưỡng ô tô với mức lương 17 man/tháng (khoảng 27,7 triệu đồng), cộng thêm tiền thưởng 2 lần/năm.
Theo anh Vũ 2 năm trước, đồng yên Nhật vẫn ở mức giá hơn 204 đồng/yên, nhưng nay chỉ còn khoảng 165 đồng/yên. Vì vậy, số tiền anh gửi về quê cho gia đình cũng giảm từ 25 triệu xuống còn 17 triệu/tháng. Tuy nhiên, để có thể gửi về cho mẹ 17 triệu đồng, anh phải sống theo kiểu "thắt lưng buộc bụng" nhất có thể.
Không những vậy, chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là thực phẩm đã khiến đời sống lao động Việt tại Nhật như anh Vũ càng chật vật hơn. Chi tiêu lên đến 5 man/tháng (tương đương 8,1 triệu đồng), số tiền anh Vũ gom nhặt gửi về quê hiện tại không còn nhiều.
Cũng như anh Vũ, anh Nguyễn Gia Quân (27 tuổi, quê tại Hà Nội) đã sang Nhật sinh sống và làm việc được hơn 5 năm. Là một kỹ sư, anh Quân cho biết, dù thu nhập khá cao so với mặt bằng chung nhưng anh vẫn phải chật vật mới có tiền gửi về quê trong bối cảnh đồng yên mất giá. Với những lao động đi Nhật theo diện thực tập sinh, theo anh Quân, thách thức còn lớn hơn.
"Thu nhập của tôi giảm hơn 10 triệu đồng, từ trên 30 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng/tháng. Biến động tỷ giá, người Nhật không bị ảnh hưởng quá nhiều nhưng lao động Việt chúng tôi thì đau đầu lắm. Công ty bắt đầu sa thải nhân viên hoặc ít nhất là cắt giảm giờ làm, người lao động không được tăng ca như trước nữa", anh Quân nói.
Bao nhiêu tiền cũng không bằng... Tết quê
Nhớ về những ngày đầu sang Nhật, anh Vũ từng mang ước mơ đổi đời, trả hết nợ cho gia đình. Lúc ấy, anh sống ở tỉnh Niigata, một trong những nơi có tuyết rơi nhiều tại Nhật Bản. Ở đó, mùa hè cực nóng, mùa đông thì lạnh buốt, làn da của anh Vũ từ hồng hào chuyển sang ngâm đen vì phải làm việc nhiều.
Tại Nhật, anh được học hỏi nhiều thứ, từ kiến thức, kỹ năng cũng như ứng xử chuyên nghiệp của người Nhật. Bản thân anh cũng thầm biết ơn đất nước đã cho mình cơ hội làm ra đồng tiền.
Song, xa quê với bao quyết tâm, hi vọng đổi đời nhưng lúc này, anh chỉ mong tích cóp đủ vốn rồi trở về quê sống cuộc sống yên bình hơn. Hơn hết, anh cũng "thèm" cái mùi Tết quê mà bấy lâu anh bỏ lỡ.
Thấy bố mẹ tóc đã chớm bạc, anh càng nhận thức mình không còn nhiều thời gian. Mặc dù cuộc sống ở nước ngoài hiện có chật vật, anh Vũ vẫn quyết tâm Tết này sẽ thu xếp về quê để đón giao thừa cùng gia đình.
Ngoài anh Vũ, nhiều lao động Việt tại Nhật khác vẫn đang đắn đo chuyện về hay ở trong dịp Tết năm nay. Như Trúc (23 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) sang Nhật làm việc ở tuổi 21, bỏ học đại học để đi lao động, kiếm tiền.
Cô gái 23 tuổi e rằng năm nay sẽ phải đón Tết xa nhà do vẫn chưa dư dả, trong tình hình đồng yên mất giá, phí sinh hoạt lại cao. Có những tháng, tiền Trúc gửi về cho gia đình vốn đã ít, nay còn chật vật hơn. Điều này khiến cô gái khá hụt hẫng so với mong ước ban đầu, bởi giá trị đồng yên hiện tại thấp so với khối lượng công việc vất vả.
Mỗi ngày, Trúc bắt đầu công việc từ 18h đến 9h sáng hôm sau. Trúc đang làm nhân viên tại công ty thực phẩm, chuyên nấu, chế biến suất ăn đóng hộp, với mức lương 22-25 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã bao gồm cả giờ tăng ca, bởi phải tăng ca thì Trúc mới có đủ tiền trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình theo đúng kế hoạch.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang Nhật làm việc chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Tính đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người.
Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.
Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản).