Theo đó, một số ngành có nhu cầu tăng việc làm là dịch vụ ăn uống, tăng 114 nghìn người; Bán buôn (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác), tăng 105 nghìn người; Sản xuất thiết bị điện, tăng 69,7 nghìn người. Tuy nhiên một số ngành tiếp tục cắt giảm nhân lực, gồm: Sản xuất trang phục dệt may cắt giảm 123.000 người, ngành nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người, ngành bán lẻ giảm 32.000 người.
Bộ LĐTBXH công bố trong quý 2, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100.000 người so với quý 1/2023 và tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 nghìn người so với quý 1/2023 và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý 2, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 nghìn người so với quý I/2023, chiếm 2,30%.
Đáng chú ý, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%. Có 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước, thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 518.500 người có quyết định hưởng; 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Trước thực trạng nêu trên, để hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng, Bộ LĐTBXH sẽ tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu NLĐ tìm kiếm việc làm mới. Nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…
Bộ LĐTBXH đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.
Đồng thời, rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động để có phương án kết nối cung - cầu lao động.
Để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 176 của Chính phủ ngày 5/2/2021 về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐTBXH.