Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Mặc dù đã bước sang năm 2024, song, các chuyên gia nhận định ảnh hưởng từ làn sóng thất nghiệp bởi đại dịch Covid-19 vẫn còn tác động lớn tới thị trường lao động; tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường dẫn tới nhiều thách thức, khó khăn cho nền kinh tế và chất lượng đời sống người dân.
Theo đánh giá từ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng khó khăn kéo dài. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp lớn trong các ngành dệt may, da giày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dẫn đến các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, buộc phải cắt giảm số lượng lớn lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiên liệu, nguyên liệu biến động trong thời gian dài, kéo theo chi phí tăng cao so với thông thường, thậm chí một số nguyên liệu đầu vào để sản xuất không thể mua được làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra, một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Để có thể duy trì công việc cho phần lớn công nhân hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã cố gắng không cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà giảm giờ làm thêm để làm những đơn hàng cũ và một số đơn hàng mới nhỏ lẻ để duy trì lao động tạm thời. Đồng thời, sắp xếp để người lao động nghỉ phép năm hoặc phải thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động; tích cực chủ động tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, đơn hàng mới và động viên tinh thần công nhân lao động.
Nhìn chung, tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh có biến động nhưng không quá nhiều. Số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp ngành sản xuất dệt may, da giày, chế biến thủy sản.
Kịp thời giải quyết trợ cấp thất nghiệp
Nhằm giúp lao động trong tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động sớm trở lại thị trường lao động.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn cho người lao động về nghĩa vụ và quyền lợi của đối tượng tham gia BHTN được tăng cường; chuyển tải những kiến thức cơ bản về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và người lao động khi tham gia BHTN. Từ đó, giúp người lao động và chủ sử dụng lao động có nhận thức đúng đắn về chính sách BHTN.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật nội dung chính sách BHTN, công khai các thủ tục hành chính về BHTN tại đơn vị, các Văn phòng đại diện, trên Website, App - Online của Trung tâm, qua đó tạo thuận lợi cho người dân truy cập, tham khảo khi có nhu cầu.
Tính đến hết năm 2023, có 22.059 người nộp hồ sơ, trong đó đã ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 23.934 người với số tiền chi trả 413.387 triệu đồng; số người được hỗ trợ học nghề 609 người (tăng 11% so với năm 2022).
Ngoài ra, thường xuyên có nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng lao động thông qua website Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang.
Để phát huy tối đa hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xác định gắn dịch vụ việc làm với thực hiện chế độ BHTN là yếu tố quan trọng. Theo đó, đơn vị thường xuyên phối hợp cùng với các địa phương tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm tại các địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến với mục đích là cầu nối gắn kết giữa người lao động với người sử dụng lao động, góp phần đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhằm giúp người lao động bị mất việc sớm có việc làm trở lại, ổn định cuộc sống, hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang đã nhận được 275 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trên website, nhu cầu tuyển dụng lao động là 9.959 vị trí việc làm trống và 502 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Phối hợp tham gia tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực đồng bằng sông cửu long với số lượng 5 phiên (4 phiên tại Cần Thơ, 1 phiên tại Bến Tre), 71 doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng lao động là 876 vị trí việc làm trống và 158 người lao động có nhu cầu ứng tuyển.