Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, thủ tục đi làm việc nước ngoài

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định.

Cụ thể, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo là 50.000 đồng/người/ngày; Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo là 400.000 đồng/người/tháng; Hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 600.000 đồng/người.

Giải pháp thu hút đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài - 1

Tư vấn việc làm, thông tin đi làm việc nước ngoài cho người lao động (Ảnh: Lương Hạnh).

Bên cạnh đó, hỗ trợ cao nhất lên đến 300.000 đồng/người/khóa tiền đi lại cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo.

Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí làm thủ tục bao gồm: Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh.

Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động; Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.

Theo Bộ Tài chính, việc hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho đối tượng trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Thu hút lao động đăng ký đi làm việc nước ngoài

Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Trung tâm Dịch vụ việc làm tích cực cung cấp thông tin, tư vấn, định hướng việc làm ở từng thị trường lao động.

Qua đó người lao động, đặc biệt lao động đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp thông tin, giải đáp về chính sách, thị trường, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; thông báo về các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. 

Qua các đợt tuyên truyền, vận động tại các sàn giao dịch việc làm tổ chức ở các huyện miền núi trong tỉnh, đã thu hút nhiều lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. 

Giải pháp thu hút đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài - 2

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Ảnh minh họa: Thanh Tùng).

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thu hút người dân tộc thiểu số, miền núi đi làm việc nước ngoài chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, trong Chương trình mục tiêu quốc gia, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các huyện đặc biệt khó khăn được miễn phí các chế độ, chính sách như học tập, học nghề, học ngoại ngữ... để đi làm việc ở nước ngoài. 

Về việc đưa người lao động, đặc biệt người dân tộc thiểu số đi làm việc nước ngoài, Bộ có một kênh riêng theo dõi, hỗ trợ cho những đối tượng này.

Theo Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (Tổ chức IM Japan) đã ký kết một chương trình đi làm việc nước ngoài với việc miễn phí toàn bộ các chi phí với đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số.

Song, Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua số lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài không nhiều.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, một phần do việc tuyên truyền, vận động người dân. Bên cạnh đó, do khác biệt về phong tục, tập quán, nhiều trường hợp đi làm việc nước ngoài muốn trở về nước.

Nhận thức được vấn đề này, các cấp, các ngành cũng rất kiên trì trong việc hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi làm việc nước ngoài. Ngay từ khâu tổ chức, đơn vị này cũng phải bố trí 2-3 người lao động ở gần nhau để có thể động viên, tâm sự ở nơi đất khách quê người.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn về các chế độ, chính sách với người dân tộc thiểu số đi làm việc nước ngoài cũng được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rất chú trọng.

Bộ trưởng dẫn chứng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở Tây Nguyên, Tây Bắc... để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Bởi, một người dân tộc thiểu số đi làm việc nước ngoài sẽ góp phần thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng nguồn lực...

 
Theo Lê Thanh Xuân (Báo Dân Trí)