Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin cụ thể về danh sách hơn 200.000 người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh bị nợ bảo hiểm xã hội.

Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho nhóm lao động đang bị "treo" quyền lợi này.

Sau rà soát cho thấy, có khoảng 20% lao động đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu, tử tuất và bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm đối tượng này sẽ được giải quyết các chế độ. Người lao động chưa đóng đủ số năm, có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Khoảng 40% lao động đang làm việc ở đơn vị mới, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn thời gian tham gia.  Song, nhóm này chỉ giải quyết trên thời gian thực đóng, không tính nợ.

Sau này khoản nợ thu hồi được, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng cho lao động.

Trong số hơn 200.000 lao động trong các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, có khoảng 20% lao động nghỉ việc, chưa tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được bảo lưu thời gian đóng để cộng nối tiếp khi đi làm trở lại hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Còn lại, khoảng 20% là trường hợp phát sinh do điều chỉnh tăng tiền lương hoặc đã quyết toán khi chuyển việc.

Giải quyết lương hưu cho lao động bị treo bảo hiểm xã hội - 1

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa: Lê Hoa).

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, cơ quan liên quan cần lập danh sách, xem xét cụ thể từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội mà được ghi nhận, cơ quan bảo hiểm cần giải quyết bằng quỹ bảo hiểm xã hội. Với người đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần phải giải quyết cho họ.

Còn nhóm người lao động có bị trừ tiền nhưng chủ doanh nghiệp chiếm dụng, không đóng quỹ rồi bỏ trốn, ông Lợi đề xuất Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ các nạn nhân.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, hướng xử lý trên đối với hơn 200.000 lao động bị "treo" quyền lợi chỉ giải quyết quyền lợi trước mắt, còn thời gian bị nợ chưa được ghi nhận. Ở đây, người lao động vẫn phải chờ cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi nợ sau này.

Theo vị này, việc không ghi nhận quá trình bị nợ bảo hiểm xã hội chắc chắn thiệt thòi sẽ về phía người lao động.

"Thực tế cần đề xuất hỗ trợ người lao động này từ ngân sách hay một khoản nào đó. Còn hướng thu hồi từ doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn là rất khó", ông Quảng nói.

Bên cạnh việc chủ sử dụng lao động không hoàn thành nghĩa vụ, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng này là có một phần trách nhiệm ở cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội và bộ phận chịu trách nhiệm thu, đôn đốc đóng bảo hiểm xã hội đã không kịp thời.

"Chính vì thiếu sự đôn đốc, làm không nghiêm minh, thiếu những chế tài nên để tình trạng ngày càng trầm trọng", ông Quảng nhấn mạnh.

Qua thực tiễn, ông Quảng cho rằng, tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng không phải là khoản ưu tiên hàng đầu được xử lý khi thanh lý tài sản. Khi thu hồi tài sản như máy móc, nhà xưởng… của đơn vị phá sản, chủ bỏ trốn, số tiền có được thường còn chưa đủ trả lương người lao động, chứ đừng nói đến trả tiền nợ bảo hiểm xã hội.

Chính vì vậy, vị này cũng đề xuất khoản đóng bảo hiểm xã hội là khoản ưu tiên khi thanh lý tài sản với trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn.

Ông Quảng so sánh, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hẳn một chương quy định về vấn đề hạn chế tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Đơn cử, bổ sung quy định nhằm hạn chế các trường hợp chậm đóng kéo dài như ngừng cấp hóa đơn, phong tỏa tài khoản, hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng từ 12 tháng trở lên...

Phó trưởng ban Chính sách pháp luật đề xuất khi sửa luật nên ưu tiên xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội cho lao động vì còn liên quan nhiều chế độ sau này. 

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Nếu đơn vị không đóng tiền, lập biên bản hành vi vi phạm theo quy định.

Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

 
Theo Lê Hoa (Báo Dân Trí)