Người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, mức hỗ trợ từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/người.

Người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, mức hỗ trợ từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/người.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 7/4 cho biết, triển khai việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023, đến nay đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 17.680 lao động.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 26 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, tính đến hết tháng 3/2023, các cấp công đoàn đã tiếp nhận là 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động.

Các cấp công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là hơn 35.900 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến tiếp tục hỗ trợ là gần 56,4 tỉ đồng (quy trình thẩm định mất từ 15 đến 20 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ của đoàn viên, người lao động). Tổng số đoàn viên, người lao động dự kiến được nhận hỗ trợ là gầ 53.500 người, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỉ đồng.

Từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022 đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động với 546.835 người lao động. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, mức hỗ trợ từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/người. Hạn nộp hồ sơ của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, người lao động đến 31/3/2023, việc chi hỗ trợ dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, qua ghi nhận của các cấp công đoàn, một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục ổn định, có xu hướng phục hồi như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (sản xuất đồ uống tăng; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất máy móc, thiết bị...), góp phần ổn định kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm chung 2,2%.

 
THEO P.V (BÁO DÂN SINH)