Trả lời câu hỏi của đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) về tình trạng thiếu việc làm hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xác nhận, thời gian qua có tình trạng thiếu việc làm.

Năm 2021, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm 5 về tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng hiện nay tỷ lệ này của chúng ta đã tăng, tuy nhiên vẫn thuộc ngưỡng quốc gia có tỷ lệ thấp so với thế giới. Tính đến ngày 26/5, theo thống kê báo cáo chính thức, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng và nhiều yếu tố khác là khoảng 506.000, trong đó 270.000 lao động mất việc hẳn.

"Chúng tôi cho rằng tình trạng trên có mấy nguyên nhân, do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động, thực hiện theo nội dung giải quyết chính sách với Bộ luật Lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hơn 500.000 lao động mất, thiếu việc làm: Bộ trưởng LĐTB&XH lý giải - 1

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn về thị trường lao động của đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động của Việt Nam còn non trẻ. Tuy nhiên, thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô và sự phát triển trong tương lai.

“Lao động kỹ năng của chúng ta còn thấp. Số qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp chứng chỉ là 26,4%. Lao động của chúng ta không quá thấp nhưng thấp so với các nước phát triển. Do vậy, đây là vấn đề cần quan tâm”, Bộ trưởng thông tin.

Theo ông Dung, cơ cấu lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, đặc biệt lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, có kỹ năng thấp. Đây là vấn đề cần điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, những nhà đầu tư hiện nay thường chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Chính phủ vừa qua ban hành Nghị quyết 06 với các tiêu chí để thị trường lao động Việt Nam bắt kịp của xu thế chung.

Với câu hỏi về giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xác định đây là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu. Đây là một bậc liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học.

Hiện quy mô tuyển sinh 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, bình quân 500.000 người/năm. Trong đó 25% học trung cấp; còn cao đẳng trước đây chỉ 10 - 15% thì gần đây đã chiếm 26%.

Hơn 500.000 lao động mất, thiếu việc làm: Bộ trưởng LĐTB&XH lý giải - 2
 

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung (Ảnh: Quochoi.vn).

Vấn đề giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm cả quy mô, chất lượng và tiếp tục đổi mới, hoàn thiện. Hiện các chế độ, chính sách tạo điều kiện cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng khái quát lại các vấn đề cần đổi mới với giáo dục nghề nghiệp. Đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức xã hội.

Hiện đa số học sinh, sinh viên vào trường nghề là do không có nhu cầu hoặc khó có nhu cầu học lên cao; phần đồng gia đình khó khăn muốn con em mình học ngắn và có việc làm ngay; một phần có nhu cầu bản thân của các em. Hiện nay chúng ta đã có chính sách khuyến khích các em người đồng bào dân tộc thiểu số học nghề, số khác được đào tạo chất lượng cao miễn phí.

Cùng với đó là có nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho học sinh. Hiện 85% học sinh ra trường có việc làm.

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện một số giải pháp thu hút các cháu vào trường nghề, quan trọng là tạo sự ủng hộ cha mẹ và các cháu; ra trường có việc làm ổn định; sau khi ra trường có nhu cầu học liên thông lên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

 
Theo Phạm Duy (Báo VTC New)