Chị Nguyễn Thị Nhung (nhà ở phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) là trường hợp bị giảm giờ làm việc và thu nhập, được xét hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. Từ năm 2017, chị Nhung đến làm việc tại Công ty TNHH An Giang Samho. Trước đây, bình quân mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Do tình hình sản xuất khó khăn, công ty giảm giờ làm, chị đến công ty 3 ngày/tuần, thu nhập theo đó giảm đi một nửa. Chị Nhung cho biết, gia đình có 2 con nhỏ và mẹ già, cộng luôn đồng lương công nhân của chồng (đang làm tại một công ty chế biến thủy sản ở TP. Long Xuyên) vẫn sống khó khăn.

Từ tháng 12/2022 đến giữa tháng 2/2023, tranh thủ những ngày không đi làm, chị Nhung bươn chải đủ các việc mua bán nhỏ. Buổi chiều, chị còn “tăng ca” bán quần áo dưới chân cầu Xếp Bà Lý để có thêm thu nhập.

 “Từ ngày giảm việc làm và thu nhập, mọi sinh hoạt trong nhà eo hẹp hơn. Riêng chi phí học thêm của các con đã tốn bộn tiền. Nghĩ đến các anh, chị không có việc làm, tôi tự an ủi bản thân và tiếp tục cố gắng xoay sở. Giai đoạn giảm giờ làm, công đoàn công ty hỗ trợ mỗi đoàn viên 500.000 đồng. Mấy hôm nay, công ty giúp tôi làm thủ tục chuẩn bị nhận hỗ trợ từ Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, số tiền không lớn nhưng tôi rất phấn khởi và trân trọng” - chị Nhung bày tỏ.

 

 

Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà hỗ trợ đoàn viên, người lao động thuộc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, mục tiêu chính của Quyết định 6696/QĐ-TLĐ nhằm hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn và NLĐ. Trước đó, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng, công đoàn đã kịp thời chia sẻ về mặt vật chất lẫn tinh thần. Những tháng cuối năm 2022, tranh thủ từ nhiều nguồn khác nhau, các cấp công đoàn đã hỗ trợ chế độ cho 2.694 NLĐ (500.000 đồng/người), giúp vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định đời sống, tìm việc làm mới.

“Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn của tổ chức công đoàn hướng đến đoàn viên và NLĐ. Qua các chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ khi dịch bệnh COVID-19 đến nay nói chung và chính sách theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ nói riêng, đã giúp đoàn viên, NLĐ tin tưởng, gần gũi với tổ chức công đoàn. Hơn nữa, từ những quyền lợi thiết thực được thụ hưởng, san sẻ lúc khó khăn, đoàn viên và NLĐ xem công đoàn là tổ chức đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho mình” - ông Nguyễn Hữu Giang chia sẻ.

Theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ; điều kiện chung là đoàn viên, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tại DN có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022. Nhóm 1 là đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc do DN bị cắt, giảm đơn hàng. Nhóm thứ 2 là đoàn viên, NLĐ phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do DN bị cắt, giảm đơn hàng. Nhóm thứ 3, là đoàn viên, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian xét duyệt hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ từ ngày 1/3 đến 31/3/2023. Trên tinh thần tích cực, khẩn trương, LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp 100% đoàn viên, NLĐ trong diện đối tượng thụ hưởng sẽ được hỗ trợ. Song song với ban hành hướng dẫn triển khai đến các cấp công đoàn là đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều kênh để lan tỏa sâu rộng đến đoàn viên, NLĐ và toàn xã hội. Đặc biệt, công đoàn rất quan tâm đối với 2.694 NLĐ thuộc Công ty TNHH An Giang Samho bị cắt hợp đồng lao động trước đây.

Hầu hết công nhân nghỉ việc hiện nay đang cư trú rải rác khắp các địa phương nên khó nắm bắt thông tin. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phối hợp, chỉ đạo công đoàn cơ sở công ty bằng nhiều cách nắm rõ địa chỉ thường trú của công nhân. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố có công nhân lao động cư trú trên địa bàn đề nghị UBND các địa phương (bằng công văn) chỉ đạo trưởng ban nhân dân ấp hỗ trợ thông tin đến từng hộ gia đình đoàn viên, NLĐ biết.

LĐLĐ tỉnh An Giang đã thành lập tổ thẩm định để tổng hợp danh sách, rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện, xét duyệt hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng được hỗ trợ. Cùng với đó, tổ chức đoàn khảo sát việc triển khai chính sách tại các địa phương, các DN để có hướng dẫn điều chỉnh kịp thời.

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 14.000 đoàn viên, NLĐ (thuộc 3 đối tượng hỗ trợ) làm việc tại các DN trong khu công nghiệp tỉnh, TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành và Thoại Sơn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, trong đó có 2.694 lao động Công ty TNHH An Giang Samho bị chấm dứt hợp đồng. Ước tính số tiền hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng.

  
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang Online)