Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Người lao động sẽ được chi trả quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian đã tham gia.
ĐƯỢC BẢO LƯU THỜI GIAN ĐÓNG NẾU CHƯA HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bởi vậy, dù đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia.
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu để quá thời hạn này, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ nữa. Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu để tính cho lần hưởng tiếp khi có đủ điều kiện.
Thời gian đóng bảo hiểm để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, một trong những điều kiện để người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp là trong vòng 3 tháng, kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thì người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở các tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nếu vẫn còn đủ 3 tháng, người lao động cần đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm gần nơi cư trú để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
CHI TRẢ TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP THEO TỪNG THÁNG
Hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được tính theo từng tháng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp theo từng tháng cho người lao động. Chính vì vậy, người lao động sẽ không thể lấy trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian mà mình được hưởng.
Tuy nhiên, Luật Việc làm 2013 hiện không giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm là được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các điều kiện gồm có: Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà được hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng, tính trước thời điểm người lao động nghỉ việc. Với hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hoặc không xác định thời hạn, người lao động đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng. Nếu là hợp đồng mùa vụ hoặc có công việc nhất định, thì phải từ 3 tháng trở lên cho tới 12 tháng.
Người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Người lao động sau khi đã nộp hồ sơ rồi và không có việc làm sau 15 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ tại các trung tâm thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cũng được thụ hưởng các quyền lợi khác như: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan soạn thảo xây dựng đề án Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp.