Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 1

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.

BHTN hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ, ai đi làm cũng đóng nhưng chỉ người bị mất việc mới được hưởng, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho NLĐ thất nghiệp trong lúc chưa tìm được việc làm.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 2

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tài chính đảm bảo đời sống cho người lao động khi chẳng may mất việc (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định như sau: NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1%; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% và do ngân sách trung ương bảo đảm. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của NLĐ.

Như vậy, mỗi năm, quỹ BHTN thu 36% tiền lương tháng của NLĐ, trong đó chỉ có 12% là NLĐ đóng từ tiền lương của mình. Nhưng khi hưởng, NLĐ được nhận rất nhiều quyền lợi để đảm bảo cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới như: trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế miễn phí, chi phí học nghề mới…

Cụ thể, theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Điều đó có nghĩa là, không chỉ tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn mức đóng (60% so với 12% của NLĐ đóng) mà số tiền hưởng thực tế cũng cao hơn nhiều lần vì tiền lương tháng căn cứ để hưởng trợ cấp là tiền lương 6 tháng gần nhất trước khi thất nghiệp, trong khi tiền lương tháng đóng BHTN giai đoạn trước đó có thể thấp hơn rất nhiều.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 3

Ngoài ra, theo Điều 51 Luật Việc làm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí do được Quỹ BHTN đóng thay.

Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, NLĐ thất nghiệp mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Căn cứ theo Điều 55 và 56 Luật Việc làm 2013, NLĐ thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng.

Theo quy định tại Quyết định 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ học nghề tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế.

Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng thì được hỗ trợ tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 4

Theo số liệu báo cáo, trong năm 2022 cả nước có gần 984.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó có hơn 975.000 người được giải quyết hưởng trợ cấp.

Ngoài ra, các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã tổ chức giới thiệu việc làm cho hơn 2,2 triệu lượt người. Số người được hỗ trợ học nghề là gần 22.000 người.

Với nhiều lợi ích như trên, nhiều NLĐ tự do, người tham gia BHXH tự nguyện mong muốn được tham gia BHTN. Tuy nhiên, khác với BHXH có 2 hình thức tham gia là bắt buộc và tự nguyện, BHTN chỉ có 1 hình thức tham gia là bắt buộc dành cho 2 nhóm đối tượng.

Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, 2 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTN là NLĐ làm việc có giao kết hợp đồng và đơn vị sử dụng lao động.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 5

NLĐ được tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn; xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Ngoại trừ trường hợp NLĐ đang hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức hàng tháng nhưng tiếp tục đi làm thêm có hợp đồng lao động thì sẽ không thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHTN.

Đơn vị sử dụng lao động phải tham gia đóng BHTN cho NLĐ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực. Những đơn vị này bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác; cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã nêu.

Từ quy định trên cho thấy, người tham gia BHTN phải là NLĐ đang tham gia hợp đồng lao động, đang là NLĐ của một đơn vị, doanh nghiệp và được trả lương hàng tháng. Mức lương đó là căn cứ để tính toán mức đóng vào quỹ BHTN của NLĐ.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 6

Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: "Chính sách BHTN ngày càng phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp và giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua".

Kết quả, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3% và tỷ lệ số người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm, đến năm 2021 tỷ lệ này là 27,19%.

Không phải ai cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - 7

Số người tham gia BHTN giai đoạn 2015 - 2021 (Nguồn: BHXH Việt Nam, Tổng cục Thống kê).

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra mặt hạn chế của quy định hiện hành là đối tượng tham gia BHTN được quy định tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì đối tượng tham gia BHTN là NLĐ có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên. Do đó, NLĐ có hợp đồng từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Từ đó, trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHTN. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho tất cả NLĐ có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Nếu đề xuất này được thông qua, nhóm lao động được tham gia BHTN, được bảo đảm chính sách an sinh, hỗ trợ đời sống khi chẳng may mất việc sẽ được mở rộng rất nhiều.

bảo hiểm thất nghiệp (1).jpg

Khi mở rộng đối tượng tham gia BHTN, nhiều người lao động sẽ được hưởng lợi từ chính sách này (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi nhiều quy định chính sách BHTN nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Cụ thể là Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một số quy định về tham gia BHTN như: trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng…

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề nghị sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN.

Nhiều quy định về trợ cấp thất nghiệp cũng được nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung như: điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp; sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa…

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cũng có nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề…

 
Theo Tùng Nguyên (Báo Dân Trí)