Chính sách bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009, với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động với 3 chế độ: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm.
CƠ CHẾ CHỐNG SỐC TỰ ĐỘNG VỚI NGƯỜI THẤT NGHIỆP
Đối tượng tham gia là người lao động có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng trở lên làm việc và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở lên.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, nội dung bảo hiểm thất nghiệp đã được chuyển sang Luật Việc làm năm 2013.
Theo đó, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, mọi người sử dụng lao động); quy định rõ 4 chế độ: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và trợ cấp thất nghiệp.
Đồng thời, bỏ chế độ hưởng trợ cấp một lần để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những lần hưởng tiếp theo; giảm thủ tục hành chính như: bỏ đăng ký thất nghiệp, người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở bất kỳ Trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp; bổ sung các trường hợp được miễn không phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng...
Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Chương VI Luật Việc làm (từ Điều 41 đến Điều 59), gồm: Nguyên tắc, đối tượng, chế độ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp và giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua.
Luật Việc làm đã quy định cụ thể đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng diện bao phủ của chính sách, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động nói chung, người thất nghiệp nói riêng.
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐẢM BẢO THÊM NHIỀU CHẾ ĐỘ
Kết quả, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3% và tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm. Đến năm 2021 tỷ lệ này là 27,19% chưa đạt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Đơn vị tính: Triệu người, %
Mặc dù vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên.
Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Vì vậy, trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nội dung về bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ này, giai đoạn 2015-2021, mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chi khoảng 9.600 tỷ đồng/năm. Khi sửa Luật Việc làm, với các chính sách chủ động ứng phó để giảm thất nghiệp, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 1%/năm so với hiện nay, qua đó giúp giảm chi quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trên 1.900 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, vừa qua, nhiều biến cố như dịch Covid-19, doanh nghiệp giảm đơn hàng đã xảy ra khiến những lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp rất thiệt thòi, do đó nếu như người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, theo Luật hiện hành, người lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, nếu người lao động kí hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được đảm bảo thêm chế độ, như không may mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…