Nêu ý kiến tại Diễn đàn người lao động ngày 28/7, chị Đặng Hồng Thêm, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, nói nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn trong khi mức trợ cấp cho người lao động thấp. Quy định hiện nay tính trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Chị Thêm kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng tăng chi hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Hội trường Diên Hồng, ngày 28/7. Ảnh: Phạm Thắng
 

Chị Thêm kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng tăng chi hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại hội trường Diên Hồng, ngày 28/7. Ảnh: Phạm Thắng

Nữ công nhân kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng nâng mức tiền trợ cấp, giảm mức đóng dưới 1% cho lao động. Cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung quy định hỗ trợ lao động trong trường hợp ảnh hưởng việc làm do thiên tai, dịch bệnh, tương tự gói 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chung quan điểm tăng chế độ chi từ quỹ ngắn hạn, anh Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê, cho rằng kết dư Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp đạt hơn 65.000 tỷ đồng nhưng tiền chi mỗi năm chỉ hơn 1.000 tỷ đồng là ít, nội dung chi hẹp. Trong khi lao động cần được đi điều dưỡng khi suy giảm sức khỏe, hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, cải thiện điều kiện làm việc.

Anh dẫn chứng công nhân ngành than - khoảng sản làm việc trong hầm lò, tiếp xúc bụi than, dễ gặp rủi ro lao động. "Đề nghị Quốc hội xem xét sớm sửa Luật An toàn vệ sinh lao động để mở rộng mức chi, bổ sung quy định trên vào luật", anh nói.

Anh Nguyễn Đức Đại, công nhân ngành than nêu ý kiến về mở rộng chế độ chi từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp tại diễn đàn ngày 28/7, Ảnh: Phạm Thắng

Anh Nguyễn Đức Đại, công nhân ngành than, nêu ý kiến về mở rộng chế độ chi từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp tại diễn đàn ngày 28/7, Ảnh: Phạm Thắng

 

Giải đáp băn khoăn của lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói trước đại dịch, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khá lớn do tồn tích từ những năm trước, mức chi thấp và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%. Từ năm 2014, ngân sách ngừng hỗ trợ, đến năm 2021 Quỹ trích hơn 41.000 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm lao động khó khăn và miễn đóng cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. "Hiện kết dư quỹ ở mức an toàn chứ không còn nhiều nên rất khó chi hỗ trợ như trong đại dịch", bà Thúy Anh nói.

Theo bà Thúy Anh, bảo hiểm thất nghiệp ngoài khoản tiền trợ cấp thì mục đích chính là hỗ trợ lao động nhanh chóng quay lại thị trường thông qua đào tạo học nghề nên cần chú trọng các chính sách này. Ghi nhận kiến nghị chính đáng của lao động, bà cho biết dự án Luật Việc làm sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến người lao động để nghiên cứu trong quá trình thẩm tra dự luật.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng nhận thấy điều kiện chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn khắt khe. Luật sửa đổi cần nới để chính sách thực sự là giá đỡ cho lao động trong lúc cấp bách về việc làm, giảm sút thu nhập.

Về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích quỹ ngắn hạn nhưng chi cho nhiều nội dung dài hạn. Song vì mức chi thấp, chế độ chi hẹp nên quỹ kết dư lớn. Lúc đại dịch, mức đóng từng được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.

Theo ông Dung, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro cho lao động và đơn vị nào làm tốt thì cần được ưu tiên giảm mức đóng. Phần còn lại hỗ trợ lao động phục hồi, điều dưỡng trong trường hợp rủi ro. Việc giảm mức đóng lâu dài cần nghiên cứu khi sửa luật.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp kiến nghị của công nhân trên diễn đàn ngày 28/7. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp kiến nghị của công nhân trên diễn đàn ngày 28/7. Ảnh: Phạm Thắng

Bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là các chế độ dành cho lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Quy định hiện hành lao động trích bằng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp 1% quỹ tiền lương tháng của tổng số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục. Thời gian hưởng căn cứ vào số tháng đóng, đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng, tối đa không quá 12 tháng.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Tiền trợ cấp cao nhất mỗi tháng hiện đạt 9 triệu đồng với lao động hưởng lương nhà nước và 23,4 triệu với lao động khu vực doanh nghiệp.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp một phần dùng chi trả phí giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn, bệnh nghề nghiệp cho lao động trong quá trình làm việc. Quy định hiện hành chủ doanh nghiệp hàng tháng trích 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; mức 0,3% áp dụng với doanh nghiệp thuộc ngành nghề nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Giai đoạn 2016-2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết cho hơn 52.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 16.000 người trong đó hưởng trợ cấp hàng tháng và gần 36.000 người nhận trợ cấp một lần. Năm 2021, mức hưởng bình quân khoảng 1,2 triệu đồng mỗi tháng, tiền hưởng tăng chủ yếu do điều chỉnh cùng kỳ với lương hưu.

Chi Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp tăng, song chiếm phần nhỏ so với số kết dư. Năm 2020, số chi khoảng 884 tỷ đồng trong khi kết dư hơn 54.000 tỷ đồng. Tính tới năm 2025, quỹ này vẫn đảm bảo cân đối.

 
Theo Hồng Chiêu - Sơn Hà (Báo VnExpress)