Rời quê nhà An Giang tới Bình Dương để mưu sinh đến nay đã gần 20 năm nay, ở tuổi ngoài 40, anh Huỳnh Văn Phong cho biết, chưa bao giờ anh bị mất việc và thất nghiệp lâu như hiện tại. "Ở nhà tới nay đã hơn 3 tháng, sinh hoạt gia đình  trông chờ cả vào khoản lương 5 triệu đồng ít ỏi của vợ tôi", anh Phong lo lắng.

Khá nhiều lao động làm việc trong các công ty gỗ ở thị xã Tân Uyên có tình cảnh tương tự như anh Phong do doanh nghiệp không tìm được đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.

Đại diện Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022, theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đã có 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động với 546.835 người lao động. 

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng khiến người lao độngphải giảm giờ làm, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng) ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Trong 3 tháng đầu năm 2023, không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 5,4%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,4%, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng thời điểm cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm chung 2,2%. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn tiếp tục giảm lao động (không tiếp tục ký hợp đồng lao động với người lao động hết hạn hợp đồng lao động) điển hình là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam không tái ký hợp đồng lao động với 2.358 lao động…

Trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng tới 3 triệu đồng/người. Hạn nộp hồ sơ của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, người lao động là ngày 31/3/2023. Hoàn thành chi hỗ trợ trong tháng 5/2023. 

Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tân Uyên Lê Minh Hoàng cho biết, thấu hiểu khó khăn của người lao động, ngay sau khi Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thị xã đã triển khai ngay đến tất cả các công đoàn cơ sở. Sau khi các doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ, LĐLĐ thị xã nói riêng, LĐLĐ các huyện, thị, thành phố nói chung đã bắt tay ngay vào việc rà soát, kiểm tra và gấp rút gửi hồ sơ lên Liên đoàn Lao động tỉnh. Cán bộ, chuyên viên công đoàn đã làm việc liên tục cả buổi tối và ngày nghỉ, ngày cuối tuần sao cho người lao động nhận được hỗ trợ sớm nhất. Theo thống kê, có khoảng 8.000 đoàn viên, người lao động thuộc 36 doanh nghiệp trên địa bàn thị xã được đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Trong đó có 4.365 lao động giảm giờ làm và ngưng việc, 3.637 lao động bị hoãn hợp đồng và nghỉ việc không lương.

Báo cáo chưa đầy đủ của 26 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, đến hết tháng 3/2023, các cấp công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động từ đó, đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng. 

Người lao động nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn.

Ngay sau kỳ nghỉ lễ, trong những ngày đầu của Tháng Công nhân, 159 đoàn viên, người lao động đầu tiên thuộc LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa làm việc tại 3 doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được nhận hỗ trợ. Trong số này có 154 đoàn viên làm việc tại Công ty Cổ phần Hải Vân Nam, Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Việt Khánh bị giảm giờ làm do doanh nghiệp bị cắt, giảm giờ làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Và 5 đoàn viên chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận hỗ trợ mỗi trường hợp 3 triệu đồng. Tổng kinh phí công đoàn hỗ trợ là 169 triệu đồng. 

"Đoàn viên, người lao động nhận hỗ trợ trực tiếp từ công đoàn cơ sở và nhận qua tài khoản cá nhân do LĐLĐ tỉnh chuyển. Số tiền hỗ trợ của tổ chức Công đoàn là rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh người lao động đang gặp khó khăn, phải nghỉ việc, thiếu việc làm như hiện nay", đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa bày tỏ.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng vừa giải ngân số tiền hơn 20 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 16.500 đoàn viên, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, bị giảm giờ làm, ngừng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động… theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ.

Trong đó, 8.749 đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc được hỗ trợ với số tiền gần 7,5 tỉ đồng; 7.720 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền trên 12,7 tỉ đồng và 62 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận hỗ trợ với số tiền 189 triệu đồng.

Được biết, số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là 35.911 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến tiếp tục hỗ trợ là 56,397 tỉ đồng (quy trình thẩm định mất từ 15 đến 20 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ của đoàn viên, người lao động). Tổng số đoàn viên, người lao động dự kiến được nhận hỗ trợ là 53.592 người, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỉ đồng./.

 
Theo Minh Châu (Báo ĐCSVN)