Anh Nguyễn Văn Linh (39 tuổi, TPHCM) chia sẻ đã làm việc hơn 10 năm tại một công ty truyền thông. Thời gian gần đây có một số công ty liên hệ mời anh về làm việc ở vị trí trưởng phòng truyền thông.

"Tôi có thể chủ động linh hoạt thời gian để làm việc ở hai công ty. Vậy tôi ký hợp đồng lao động với cả hai công ty có được không? Nếu được thì BHXH tính thể nào?", anh Linh băn khoăn.

lao-dong_Xuan-Truong

Người lao động có quyền được ký hợp đồng lao động với hai hoặc nhiều công ty (Ảnh minh họa, Xuân Trường).

Giải đáp nội dung của anh Linh, luật sư Trần Hữu Lộc (Đoàn luật sư Đồng Nai) cho biết, khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Do đó, người lao động hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động cùng lúc với hai hoặc nhiều công ty.

"Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc, điều chỉnh các nội dung thỏa thuận về thời gian làm việc, địa điểm làm việc,... trong các hợp đồng lao động để tránh trường hợp những nội dung này bị trùng lắp dẫn đến việc người lao động vi phạm các nghĩa vụ và phát sinh tranh chấp về sau", luật sư Lộc lưu ý.

Cũng theo luật sư, căn cứ khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 2 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) thì trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động với nhiều công ty cùng lúc thì đóng bảo hiểm như sau:

Bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí, tử tuất) đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên.

Bảo hiểm xã hội (quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp) đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động (tuy nhiên người lao động không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng lao động sẽ đóng).

Bảo hiểm thất nghiệp đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên.

Bảo hiểm y tế đóng tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

  
Theo Xuân Trường (Báo Dân Trí)