Nơm nớp về một cái Tết không trọn vẹn

Từng đi làm thuê ở nhiều nơi, sau đại dịch Covid-19, chật vật tìm việc mãi, Thúy Liên mới được nhận vào làm tại một xưởng may gia công. Cô gái 24 tuổi này mới làm được gần một năm thì công ty hết đơn hàng, chủ xưởng buộc lòng phải cắt giảm một nửa số nhân công vì không thể "gồng lỗ". "Chúng em cũng biết chị chủ cố lắm rồi nên chẳng làm gì được hơn, giờ đành đi tìm việc chỗ khác thôi", Liên buồn bã nói.

Chung cảnh ngộ với Liên, những ngày cuối năm, không thiếu người lao động lo nơm nớp về một cái Tết không trọn vẹn khi phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Lang thang xin dán thông báo "người tìm việc" tại các khu chung cư ở quận Long Biên (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu Hằng (39 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, đã nhiều ngày nay, chị phải đi tìm việc mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Vốn làm công nhân cho một xưởng may túi lưới ở Hải Dương, chị Hằng có thu nhập ổn định khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, ngoài làm tại xưởng, chị còn nhận khâu thú nhồi bông, bán thêm đặc sản quê cho người quanh khu trọ. "Tính ra tổng thu nhập cũng được khoảng chục triệu đồng, trừ hết chi phí ở trọ và ăn uống tiết kiệm lắm thì tôi gửi về được 4 triệu, nhờ ông bà ở quê nuôi con. Giờ mất việc, lên Hà Nội mọi thứ đắt đỏ quá, tôi còn chưa biết tháng tới lấy tiền đâu gửi về đây", chị Hằng rơm rớm.

Qua trao đổi thông tin từ chị Hằng, chúng tôi liên lạc với bà Trần N.L, chủ cơ sở sản xuất nơi chị Hằng làm việc. Bà L. cho biết, tại Hải Dương, bà có 3 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều đơn hàng chưa được khách thanh toán, thậm chí có những đơn hàng công nhân đã làm xong, đóng gói thành phẩm cả năm trời thì chủ hàng "bặt vô âm tín". "Tôi đã mang hợp đồng kí kết đi khiếu kiện với chính quyền địa phương, cũng tìm gặp người quen, họ hàng của họ để xin thanh toán cho mình được phần nào hay phần đó nhưng khổ nỗi mình không có nhiều kinh nghiệm, làm hợp đồng với họ không chặt chẽ, giờ thương công nhân lắm nhưng tôi cũng không đòi được tiền về. Tôi đành lấy tiền nhà ra trả rồi cho chị em nghỉ việc thôi", bà L. chia sẻ.

Hụt hẫng mất việc làm cuối năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần có chính sách đào tạo liên tục

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý III/2023, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm do tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp thấp. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý III/2023 là 33,4 triệu người, chiếm 65% trong tổng số lao động có việc làm, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trở lại. Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học… "Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Lao động phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước. Điều đó cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững", Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực của Liên đoàn lao động các cấp cũng như sự hỗ trợ của nhiều cơ quan ban, ngành, tình hình việc làm trong năm 2023 đã có sự cải thiện so với năm trước, tuy nhiên tình hình vẫn chưa khả quan.

Với các chủ cơ sở sản xuất, việc làm ăn mang tính chất tự phát, manh mún, thiếu bài bản trong quản lý, vận hành và kiến thức pháp luật đã dẫn đến tình trạng bị nợ tiền, chậm thanh toán, thậm chí là hủy đơn hàng. Còn với người lao động, tình trạng mất việc làm diễn ra chủ yếu ở các nhóm lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất hoặc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do trình độ, kỹ năng thấp, đơn giản theo công đoạn và thời gian làm kéo dài. Do đó, họ ít có các tương tác quan hệ xã hội, cũng không thể vận dụng để làm công việc mới.

Đặc biệt, các đối tượng là lao động nữ ở độ tuổi sau 35 càng có nguy cơ mất việc. Tiến sĩ Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, cho rằng phụ nữ sau tuổi 35 gặp phải nhiều rào cản về trình độ, sức khỏe cũng như định kiến giới. "Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, khi các doanh nghiệp tái cơ cấu thường ưu tiên hiệu quả năng suất nhưng bộ máy lại tinh gọn. Lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ lớn tuổi, không nằm trong ưu tiên hàng đầu của các nhà tuyển dụng".

TS. Lê Văn Sơn kiến nghị, cần có chính sách đào tạo liên tục để người lao động thích ứng với những biến đổi của thị trường lao động. Tuy nhiên, mọi nỗ lực vẫn phải do cá nhân người lao động không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Thực tế này có thể thấy rõ với những người như chị Nguyễn Thị Thu Hằng đã nhắc ở trên. Chị thừa nhận mình đã tìm việc quanh Hải Dương và một số khu công nghiệp tại Bắc Giang nhưng thời điểm này, các nơi đều không nhận vì chị không có kĩ năng, được xem là lớn tuổi trong thị trường lao động trình độ thấp. "Tôi lên Hà Nội với hy vọng có thể làm giúp việc gia đình hoặc lao công. Tuy nhiên, qua trao đổi ở nhóm người giúp việc gia đình, năm nay nguồn việc cũng không dồi dào. Nếu không có công việc toàn thời gian như mong đợi, có lẽ tôi sẽ phải làm nhiều ca mới đủ trang trải cuộc sống", chị Hằng chia sẻ.

 
Theo An Nhi (Báo Phụ nữ Việt Nam)