Kế hoạch được phê duyệt nhằm để triển khai thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia ký ngày 21/3/2022.

Về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Bản ghi nhớ, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nội dung Bản ghi nhớ, thực tế tình hình lao động của địa phương và các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch này để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, chiến dịch truyền thông chung và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước và các địa phương...

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động sang làm việc tại Malaysia thực hiện đúng Bản ghi nhớ; tìm hiểu, nghiên cứu các quy định pháp luật nước bạn về tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc ký kết các hợp đồng, làm thủ tục cho người lao động theo quy định Malaysia, quy định của Bản ghi nhớ, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.

Lập nhóm công tác giám sát việc đưa lao động Việt sang Malaysia làm việc - 1

Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Việt Nam và Malaysia được ký ngày 21/3/2022.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao là đơn vị chủ trì thực hiện và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động sang Malaysia lao động theo hợp đồng.

Trong suốt thời gian có hiệu lực của Bản ghi nhớ, Bộ có nhiệm vụ hướng dẫn các thay đổi liên quan đến chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Malaysia cho các doanh nghiệp để thực hiện.

Về công tác quản lý lao động, doanh nghiệp đưa người lao động sang Malaysia làm việc chịu trách nhiệm tổ chức quản lý người lao động theo đúng hợp đồng đã ký và quy định tại Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trong công tác quản lý người lao động.

Lập Nhóm công tác của Việt Nam

Quyết định phê duyệt kế hoạch nêu định hướng, Việt Nam phối hợp với phía Malaysia thành lập Nhóm công tác chung để theo dõi việc thực hiện Bản ghi nhớ, tạo ra diễn đàn cho cán bộ hai bên trực tiếp tham vấn lẫn nhau, bàn kế hoạch phối hợp trong thời gian tới, tổ chức họp định kỳ 1 năm một lần theo quy định tại Bản ghi nhớ và đột xuất trong trường hợp cần thiết để trao đổi, đưa ra giải pháp kịp thời cho các vấn đề liên quan phát sinh trong quá trình thực hiện, đánh giá việc thực hiện văn kiện, báo cáo Chính phủ hai nước việc sửa đổi, bổ sung điều khoản của Bản ghi nhớ.

Thành phần chính Nhóm công tác của Việt Nam là Tổ công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm một lãnh đạo Bộ, đại diện các đơn vị thuộc Bộ (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính), lãnh đạo Ban Quản lý lao động và chuyên gia thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; tham gia Nhóm công tác của Việt Nam có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo lãnh đạo Bộ mời đại diện các bộ, ngành có liên quan khác tham gia Nhóm công tác của Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ nêu thời hạn, trong Quý I/2023 phải hoàn thành việc thành lập Nhóm công tác của Việt Nam. Nhóm công tác hoạt động từ khi được thành lập và xuyên suốt thời gian có hiệu lực của Bản ghi nhớ.

Hiện nay, lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nền kinh tế Malaysia phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động nước ngoài, hiện có khoảng 1,3 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia.

Trong 2 năm vừa qua, nhiều ngành/ khu vực kinh tế của Malaysia thiếu lao động, đặc biệt là trồng cọ và giúp việc gia đình do thiếu hụt nguồn cung lao động từ Philippines và Indonesia. Nhiều doanh nghiệp đã có đề nghị tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc trong 2 ngành nghề này. Tuy nhiên, điều kiện lao động và việc quản lý lao động thực tế 2 ngành nghề này có khó khăn.

Cụ thể, đối với nghề trồng trọt làm việc tại các trang trại, rừng cọ, người lao động phải ở và làm việc tại các địa điểm sâu trong rừng, xa khu dân cư, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, khó tiếp cận dịch vụ cơ bản, nguy cơ nhiễm bệnh cao; khó quản lý, khó tiếp cận để hỗ trợ, xử lý khi có vấn đề phát sinh.

Đối với nghề giúp việc gia đình, hiện Chính phủ hai nước chưa có Thỏa thuận về lĩnh vực này nên có thể khó khăn trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi làm việc với các đối tác có yêu cầu tiếp nhận lao động hai ngành nghề nêu trên để đảm bảo quyền lợi và tránh các nguy cơ rủi ro đối với người lao động.

 
Theo Sơn Nguyễn (Báo Dân Trí)