Giảng viên trường nghề hưởng lương đến 14,4 triệu đồng/tháng

Một trong những chính sách mới về công chức, viên chức áp dụng tháng 10 là quy định về tiêu chuẩn, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (thường gọi là giảng viên trường nghề) nêu tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, giảng viên giáo dục nghề nghiệp gồm 4 chức danh là giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp gồm 5 chức danh là giáo viên dạy nghề cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành và giáo viên giáo dục nghề nghiệp.

Loạt chính sách mới về tiền lương, việc làm áp dụng từ tháng 10 - 1

Hàng loạt chính sách mới về tiền lương, việc làm áp dụng từ tháng 10/2023 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với các chức danh khác nhau, việc xếp lương cũng khác nhau. Cụ thể, giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp, có hệ số lương 6,2-8,0 tương đương với mức lương 11,16-14,4 triệu đồng.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính hoặc giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính hưởng hệ số lương 4,4-6,78 tương đương mức lương hằng tháng 7,92 - 12,204 triệu đồng.

Giảng viên hoặc giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hưởng hệ số lương 2,34-4,98 tương đương mức lương hằng tháng 4,212-8,964 triệu đồng.

Giảng viên hoặc giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành hưởng hệ số lương 2,1-4,89 tương đương mức lương hằng tháng 3,78-8,802 triệu đồng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp hưởng hệ số lương 5,75-7,55 tương đương mức lương hàng tháng 10,35-13,59 triệu đồng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp hưởng hệ số lương 1,86-4,06 tương đương mức lương hàng tháng 3,348-7,308 triệu đồng.

Bãi bỏ 10 văn bản quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức

Từ 1/10, một trong những chính sách mới về công chức viên chức áp dụng là Thông tư số 12/2023/TT-BNV bãi bỏ một số Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…

Cụ thể, 10 Thông tư dưới đây sẽ chính thức bị bãi bỏ:

Thông tư 13/2010/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Thông tư 05/2012/TT-BNV sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-BNV hướng dẫn tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển, sử dụng và quản lý công chức.

Thông tư 06/2013/TT-BNV bãi bỏ Điều 19 Thông tư 13/2010/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Thông tư 03/2015/TT-BNV sửa đổi Điều 9 Thông tư 13/2010/TT-BNV quy định về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Thông tư 05/2017/TT-BNV sửa đổi Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.

Thông tư 12/2012/TT-BNV quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Thông tư 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Thông tư 04/2015/TT-BNV sửa đổi Thông tư 15/2012/TT-BNV hướng dẫn tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP hướng dẫn Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Luân chuyển công tác cán bộ tư pháp

Từ ngày 7/10, Thông tư 05/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp tại chính quyền địa phương, có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp tại chính quyền địa phương bao gồm:

Lĩnh vực tư pháp: Cán bộ giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch: Cán bộ giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; giải quyết việc thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch; giải quyết việc xin thôi, xin trở lại, xin nhập quốc tịch Việt Nam…

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là khi được phân công làm việc ở vị trí công tác đó theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 
Theo Sơn Nguyễn (Báo Dân Trí)