Do thu nhập thấp

Tình trạng này dẫn đến số người rút cũng gần bằng số người tham gia BHXH hàng năm và là nguy cơ với hệ thống an sinh xã hội.

“Nếu tình trạng này không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững. Nguyên nhân rút BHXH một lần do đời sống, thu nhập của người lao động ở mức thấp, khó khăn, người lao động cần có một khoản để dành nên rút BHXH một lần. Đối tượng rút chủ yếu là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.

Chú thích ảnh
Lao động chờ đợi rút BHXH một lần tại các tỉnh thành phía Nam.

Việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ LĐTBXH đề xuất đang theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi cho người đóng.

“Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất. Do đó cần tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến BHXH. Theo phản ánh từ cơ sở, nếu cứ tiếp tục đóng 20 năm, người lao động sẽ không chờ đợi được, nhất là những ngành thâm dụng lao động như dệt, may… sẽ rất khó. ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

“Quan điểm của Bộ LĐTBXH là cần giảm dưới 15 năm và tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Nếu đóng ngắn, đóng ít thì khi về hưu hưởng ít. Bên cạnh đó là nguyên tắc chia sẻ nhưng chỉ một phần, còn phải bình đẳng và đóng hưởng", ông Đào Ngọc Dung thông tin thêm.

So sánh với cơ chế rút BHXH một lần giữa Việt Nam và các nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khi tham vấn các chuyên gia ILO, họ đều cho rằng không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam. Thông lệ quốc tế chỉ cho rút khi mắc bệnh nan y và khi chuyển đi sống ở nước ngoài. Còn Việt Nam cho tự do rút BHXH một lần và đây là quyền công dân nên không thể cấm.

"Bên cạnh đó, quyền lợi khi rút ở mức cao, đóng 8% nhưng lại hưởng toàn bộ phần đóng của cả Nhà nước, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy quyền lợi cao hơn nên rút và sau đó lại tham gia lại BHXH. Theo thống kê, hiện nay có tới 1/3 người rút BHXH một lần đã quay trở lại tham gia BHXH. Do đó, có một nguyên nhân khác là tuyên truyền về vấn đề này chưa hiệu quả.

Giảm thời gian đóng

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để hạn chế rút BHXH một lần, trước hết cần nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh.

Thực tế, việc rút quỹ BHXH một lần có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ. Đồng thời, cần có chính sách tạo "sinh kế" giải quyết việc làm bền vững, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH.

Thêm vào đó, phương án được đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu. Tuy nhiên cần giải thích làm rõ ưu, nhược để người dân đồng thuận.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH) cho rằng: Cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho người lao động hiểu tác hại rút một lần. Từ dữ liệu thống kê về rút BHXH một lần, cơ quan chức năng cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phải vận động đoàn viên, nhất là về chính sách lương hưu, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, công tác thu chi bảo hiểm xã hội phải minh bạch nguồn tiền để người lao động yên tâm đóng góp, tránh suy nghĩ "không biết sau này tiền đóng bảo hiểm có được lấy hay không?".

Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến đồng tình với phương án cho rút 50%, giữ lại 50% nhưng cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn.
 
Theo XM/báo Tin tức