Chấp nhận làm không lương
Mơ về một công việc lương cao, dễ ứng tuyển nhưng khi nhận bằng kỹ sư công nghệ, V.T.A. (ngụ tại Hà Nội) phải ngậm ngùi đóng máy, chấp nhận làm một công việc trái ngành với mức lương trung bình.
Hơn 2 tháng qua, A. không nhớ đã rải CV (Curriculum Vitae - sơ yếu lý lịch) đến bao nhiêu công ty mà đều "bặt vô âm tín".
Không rõ lý do bị từ chối, càng không biết phải tiếp tục rải hồ sơ ứng tuyển đến bao giờ, A. chán nản buông bằng, bỏ nghề rồi tìm một công việc trong ngành marketing (tiếp thị, truyền thông, quảng cáo) để có tiền trang trải cuộc sống.
"Trong 2 tháng đi rải CV và ngồi chờ, tôi sắp cạn hết tiền, tới đây chắc chỉ "hít khí trời" để sống", A. nói.
Trước đây, A. tốt nghiệp trường nghề, sau đó đăng ký học khóa đào tạo công nghệ thông tin ngắn hạn thuộc trường đại học trên địa bàn TPHCM. Lúc đầu, chàng trai ôm mộng "đổi đời" vì ngành IT luôn được kỳ vọng là công việc lương cao, xã hội đang rất cần nhân lực.
Kết thúc khóa học, A. chấp nhận thực tập không lương ở 2 công ty chỉ mong tích lũy đủ kinh nghiệm. Vậy nhưng những mong mỏi của A. không được đáp lại khi chàng trai nhận ra công việc này quá cạnh tranh về chuyên môn.
Cầm tấm bằng cử nhân kỹ sư công nghệ thông tin loại khá của trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, anh C.K. (24 tuổi, ngụ tại Hà Nội) nhanh chóng ứng tuyển ở nhiều doanh nghiệp trong suốt 6 tháng, với mong muốn được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Thế nhưng, sự cạnh tranh về chuyên môn, cùng một vị trí nhưng quá nhiều ứng tuyển là những trở ngại mà anh K. phải đối mặt.
"Kinh nghiệm thực chiến của tôi chỉ vỏn vẹn 1 tháng nên rất khó cạnh tranh, dù nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không hề ít", K. bộc bạch.
Trong khoảng thời gian chờ có việc, K. phải tìm một công việc trái ngành để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Guồng quay cuộc sống, áp lực tài chính khiến K. không còn thời gian để bổ sung kiến thức chuyên môn. Dần dà, chàng trai chấp nhận bỏ nghề để ổn định cuộc sống.
57.000 nhân sự công nghệ ra trường mỗi năm, chỉ 30% được việc
"Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023" do TopDev vừa công bố cho thấy, dù lương, tiền thưởng trong ngành công nghệ thông tin (IT) tiếp tục tăng lên, ngành này vẫn chưa hút đủ nhân lực. Thị trường hiện vẫn thiếu hụt 150.000-200.000 lập trình viên, kỹ sư hằng năm.
Hiện nay, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Về xu hướng, số sinh viên công nghệ thông tin nhập học mỗi năm vào khoảng 50.000-57.000 người.
Trong số hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn, yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra.
70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc.
Theo đánh giá, lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh về lý thuyết nhưng còn hạn chế về kỹ năng thực hành về ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, số liệu năm 2023 lại phản ánh rằng hầu hết các công ty đều thu hẹp kế hoạch tuyển dụng trong năm 2023 với số lượng vị trí tuyển dụng mới giảm đáng kể. Gần 90% công ty có kế hoạch tuyển ít hơn 50 lập trình viên trong năm nay. Trong khi con số này của năm ngoái chỉ là 75%.
Cùng với nhu cầu tuyển dụng giảm, ngân sách tuyển dụng cho năm 2023 cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, khi chỉ có 6% công ty cho biết họ tăng ngân sách tuyển dụng, 15% giữ nguyên số lượng và gần 80% công ty quyết định giảm.
Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin đang đứng trước thách thức của suy thoái kinh tế. Nhiều tổ chức đã tạm ngưng kế hoạch tuyển dụng hoặc giảm lượng nhân viên thông qua việc sa thải.
Điều này dẫn đến giảm cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi các công ty ưu tiên các biện pháp cắt giảm chi phí và tập trung vào việc duy trì sự ổn định tài chính.
Thị trường việc làm trở nên cạnh tranh hơn khi số lượng vị trí công việc sẵn có giảm đi, trong khi số lượng người tìm việc có khả năng tăng lên.
Về phía ứng viên, thống kê cho thấy họ đang gặp trở ngại về việc thiếu chuyên môn cao, khó đáp ứng được các kỹ năng mềm cần thiết, thiếu tư duy kinh doanh thực tế và gặp rào cản về ngôn ngữ.
Theo ông Park JongHo (Giám đốc điều hành Top Dev), khi thị trường trở nên khó khăn hơn, các nhân tài công nghệ đối mặt với nhu cầu tập trung vào giá trị cốt lõi và mục tiêu nghề nghiệp lâu dài.
Thời đại chuyển việc thường xuyên hoặc dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm hạn chế đã không còn. Thị trường bắt đầu đòi hỏi những nhân tài có công nghệ vững vàng, đầu óc kinh doanh và chuyên môn cần thiết. Kết quả là, senior (nhân sự có nhiều kinh nghiệm) đối mặt với nhu cầu cao khi các công ty tìm cách tuyển các chuyên gia lành nghề với kiến thức và kinh nghiệm phong phú.
Các công ty sẽ trở nên khắt khe và cẩn thận hơn trong việc đánh giá nhân tài của mình, đồng thời các ứng viên cũng sẽ nỗ lực thu thập những thông tin đa dạng về công ty trong việc lựa chọn.