Việc GDP tăng đến 8,02% so với năm trước cho thấy kinh tế của Việt Nam đã hồi phục trở lại. Số liệu Tổng cục Thống kê năm 2002 cho thấy các khu vực kinh tế như: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, khu vực dịch vụ tăng 9,99%...
Tuy vậy, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) năm 2022, cũng tăng thêm 975.333 người, tức tăng 27,6% so với năm 2021.
RỦI RO THẤT NGHIỆP KHÓ LƯỜNG
Phải nói rằng tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam năm 2022 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều mặt biến động khó lường. Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn còn đầy rủi ro nhưng cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế của nhiều nước đã bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 là một sự kiện bất ngờ, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động kinh tế, chính trị, an ninh, hòa bình… của thế giới. Cuộc xung đột này đã làm xáo trộn cả thế giới giống như đại dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020. Về kinh tế, cuộc xung đột này đã làm gia tăng rủi ro đến hầu hết các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường dầu mỏ, lương thực, thị trường lao động…
Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới, tất nhiên không thể tránh khỏi những tác động xấu đến nền kinh tế. Tuy vậy, với quyết sách phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra, Việt Nam đã duy trì ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Liên quan đến việc làm, do những tác động xấu trước đó, cộng thêm những biến động bất ngờ khác xuất hiện vào những tháng cuối năm 2022 nên số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và số doanh nghiệp hoàn tất giải thể vẫn tăng.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đặc biệt, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, suy thoái kinh tế của các nước vào những tháng cuối năm 2022 đã dẫn đến cầu tiêu dùng, đầu tư giảm mạnh trên toàn cầu. Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng, tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu lại xuất hiện nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải giảm quy mô, giải thể hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, không tuyển dụng nhân sự mới do không nhận được đơn hàng.
Qua đó cho thấy thất nghiệp là rủi ro khó lường và lý giải tại sao số người nộp hồ sơ xin hưởng chính sách thất nghiệp năm 2022 lại tăng lên. Theo số liệu của Cục Việc làm công bố, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cả năm 2022 là 983.810 người, tăng 22,7% so với năm 2021 (801.925 người), trong đó 975.333 người đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người). Ngoài ra, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cả năm 2022 hiện khoảng trên 14 triệu người cũng là nguyên nhân số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên.
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN TRONG CHÍNH SÁCH
Theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, với 975.333 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị mất việc làm và đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, sẽ nhận với mức hưởng/tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Cục Việc làm cho biết năm 2022, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3.334.832 đồng/người/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 (3.223.152 đồng/người/tháng). Số tiền này được chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, số lượt người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 2.225.758; Số người được giới thiệu việc làm 225.421; số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề 21.825 với những ngành nghề như lái xe ôtô, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế thức uống, tin học văn phòng, vận hành xe nâng hàng…
Nhìn các mục chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì việc chi trợ cấp thất nghiệp thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoản chi theo mục đích sử dụng Quỹ gồm: chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; đầu tư để bảo toàn, tăng trưởng quỹ; chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp.
Phân tích các nguyên nhân làm cho người lao động thất nghiệp trong năm 2022, Cục Việc làm cho biết thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc trước thời hạn: chiếm 41,3%; thất nghiệp do hết hạn hợp đồng lao động: chiếm 30,1% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; thất nghiệp do bị xử lý kỷ luật, bị sa thải: chiếm 1,9%; thất nghiệp do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu: chiếm 2,7%; thất nghiệp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: chiếm 0,3%; thất nghiệp do những nguyên nhân khác: chiếm 23,7%.
Xem xét kỹ các nguyên nhân gây thất nghiệp lớn đã nêu trên đều cho thấy, người lao động bị thất nghiệp đều do những tác động đột biến, bất ngờ khó lường xảy ra, nhất là từ những tháng cuối năm 2022. Một nghiên cứu về thị trường lao động cho biết, thời gian thất nghiệp của người lao động càng dài thì càng kìm hãm tăng trưởng kinh tế và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới GDP chung.
Từ thực tế năm 2022, để hạn chế tình trạng thất nghiệp xảy ra do những rủi ro khó lường, Cục Việc làm đề xuất những định hướng về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới.
Theo đó, cần phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động để chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Những định hướng chính sách này nhằm ngăn ngừa thất nghiệp từ xa và sẽ được cụ thể hóa trong sửa đổi Luật Việc làm sắp tới.