Lao động di cư muốn về lại quê hương

Ngày 17/3, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ nghiên cứu tác động của Covid-19 đến việc làm của lao động di cư nội địa và vai trò của các bên liên quan".

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 2 vòng khảo sát với sự tham gia của 1.200 lao động di cư  trong nước và 41 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, da giày và điện tử từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022. Từ đó, nhóm đưa ra những đánh giá chi tiết về đời sống thực tế, kỳ vọng của lao động di cư hiện nay.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS - TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) trình bày những kết quả chính của khảo sát này. Theo ông, lao động di cư trong nước có đóng góp to lớn vào sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị, đặc biệt là TPHCM, trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19 (từ tháng 5 đến tháng 10/2021) đã gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của lao động di cư tại khu vực Đông Nam Bộ.

Người lao động cần hỗ trợ gì để tiếp tục bám trụ lại TPHCM? - 1

Hàng ngàn lao động quyết định về quê sau đợt giãn cách kéo dài cuối năm 2021 tại TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long).

Từ sau tháng 10/2021, mặc dù dịch Covid-19 đã dịu bớt nhưng người lao động (NLĐ) vẫn gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của cú sốc kinh tế từ tác động của đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách kéo dài trong năm 2021 khiến nhiều NLĐ không có công ăn việc làm, phải tiêu vào tiền tiết kiệm, vay mượn, nợ nần…

Sau giãn cách, dù các doanh nghiệp khôi phục sản xuất rất nhanh nhưng tác động tiêu cực đến nền kinh tế vẫn còn, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải sa thải lao động, nhiều công nhân mất việc, giảm việc. Mục tiêu cố gắng làm việc kiếm tiền để trả nợ vay mượn trong đợt giãn cách không thực hiện được.

Trong bối cảnh đó, tình hình giá cả hàng hóa cao tại các khu công nghiệp và khu đô thị sau đại dịch Covid-19 còn "bồi" thêm cú đánh mạnh vào nền tảng tài chính yếu kém của lao động di cư khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, thách thức lớn nhất đối với NLĐ là kiếm đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt (77,6% người tham gia khảo sát trả lời).

Người lao động cần hỗ trợ gì để tiếp tục bám trụ lại TPHCM? - 2

Năm 2022, kinh tế phục hồi nhanh chóng nhưng nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động gặp khó khăn về đơn hàng, phải sa thải công nhân (Ảnh minh họa: L.T.).

Theo PGS - TS Nguyễn Đức Lộc, hầu hết NLĐ đã có gia đình thường để con cái cho ông bà chăm sóc và chọn cách đi làm ăn xa với hy vọng có được thu nhập cao hơn để gửi về. Khi mục tiêu trên không đáp được và điều kiện làm việc ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, NLĐ có xu hướng trở về quê hương làm việc để đoàn tụ với gia đình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 15,5% lao động di cư trong nước được khảo sát hiện đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương có ý định trở về quê hương làm việc lâu dài.

Cần hỗ trợ tài chính để cải thiện đời sống lao động di cư

Theo PGS - TS Nguyễn Đức Lộc, chi phí sinh hoạt gia tăng cùng với các khoản nợ phải trả để bù đắp tổn thất tài chính trong thời gian giãn cách vì Covid-19 khiến hầu hết NLĐ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính.

Điều này giải thích lý do vì sao hầu hết NLĐ được khảo sát trong nghiên cứu này đều mong muốn được tăng lương và thưởng hàng năm, công đoàn tốt để bảo vệ quyền lợi của họ, hỗ trợ nhà ở miễn phí hoặc chi phí thấp…

Khi được hỏi về kỳ vọng của bản thân đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, 3 nhu cầu hàng đầu mà NLĐ muốn được hỗ trợ đều liên quan đến tài chính: Giảm chi phí điện nước, hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ NLĐ lớn tuổi và lao động nữ.

Người lao động cần hỗ trợ gì để tiếp tục bám trụ lại TPHCM? - 3

Kỳ vọng của NLĐ với cơ quan nhà nước (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Từ khảo sát kỳ vọng của NLĐ, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan liên quan cần có những điều chỉnh kịp thời về chính sách để đáp ứng nhu cầu của NLĐ di cư trong nước nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thu hút NLĐ di cư đến các khu công nghiệp.

Hỗ trợ đầu tiên và quan trọng nhất là về tài chính. Nhóm đề xuất Nhà nước nghiên cứu để tăng mức lương tối thiểu cho NLĐ nhằm đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là ở khu vực đô thị và khu công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kiềm chế lạm phát để hạn chế bớt khó khăn cho NLĐ.

PGS - TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, hiện có hai kỳ xét tăng lương khác nhau, một kỳ cho khu vực tư nhân và một kỳ cho khu vực công, lần nào nghe tăng lương thì giá cả sinh hoạt đều tăng theo. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét tăng lương cho cả hai khu vực cùng một lúc để tránh lạm phát hai lần trong một năm do tăng lương.

Hỗ trợ thiết thực thứ 2 là cải thiện chỗ ở cho NLĐ ở trọ. Nhà nước cần ban hành quy định về tiêu chí xây dựng, cung cấp nhà ở, phòng trọ cho NLĐ và quán triệt việc thực hiện để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho NLĐ di cư.

Người lao động cần hỗ trợ gì để tiếp tục bám trụ lại TPHCM? - 4

NLĐ cần nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính để cải thiện đời sống (Ảnh minh họa: Hải Long).

Nhóm cũng đề xuất nhiều việc cần làm để giảm chi phí sinh hoạt, nâng cao đời sống cho NLĐ như: Rà soát các chính sách hiện hành để thực hiện hiệu quả việc giảm chi phí điện nước cho NLĐ; thành lập trường mầm non tại các khu công nghiệp hoặc quy định khu công nghiệp phải có trường mầm non để hỗ trợ NLĐ có nơi trông giữ con cái trong giờ làm việc…

 
Theo Tùng Nguyên (Báo Dân Trí)