Lao động tìm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Lao động tìm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 1 năm 2024, cho thấy mặc dù nhìn chung số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có giảm, song tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên đề nghị hưởng lại có xu hướng tăng. 

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý 1/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 10,3 nghìn người so với quý 4/2023, song lại tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi không có biến động nhiều, chiếm 2,24%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị chiếm 2,64%.  

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn ở mức cao, chiếm 7,99% Trong quý 1, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 8,3%); tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 3,9%.

Quý 1 năm nay, cả nước có 168.652 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 81.574 người và 36.476 người.

Trong tổng số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 159.597 người có quyết định hưởng. Nhưng số người được hỗ trợ học nghề lại chiếm rất khiêm tốn so với số người hưởng trợ cấp, với chỉ hơn 5.300 người. Ngoài ra, có hơn 485.800 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Xét theo trình độ chuyên môn, số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất, chiếm đến 62,9% (giảm nhẹ so với quý 4/2023 – 64,5%).

Tuy nhiên, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm có trình độ đại học trở lên lại tăng từ 15,4% trong quý 4/2023 lên 17,2% trong quý 1.

Nhóm có trình độ cao đẳng, trung cấp, có chứng chỉ nghề sơ cấp có số người đề nghị hưởng gần tương đương nhau, lần lượt là 6,8%, 6,4% và 6,7%.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Đến nay, có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Số người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ trên cả nước chiếm chưa đến 30%.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến. Ảnh: N.Dương.
Phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến. Ảnh: N.Dương.

Xét theo nhóm ngành, công nghiệp chế biến chế tạo đứng đầu trong 5 nhóm ngành có số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 41,5%; theo sau là nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác, chiếm 33,6%. Các nhóm ngành khác là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng.

Xét theo nhóm nghề, thợ may, thêu và các thợ có liên quan có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất, chiếm 24,5% trong tổng số lao động đăng ký hưởng.

Ngoài ra là các nhóm nghề khác như thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán; kỹ thuật viên điện tử.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý 2/2024, cả nước sẽ có 51,5 triệu người có việc làm, tăng thêm khoảng 200 nghìn người so với quý 1. Một số ngành dự báo tăng thêm việc làm như dệt may, sản xuất giường tủ, bàn ghế; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Tuy nhiên, một số ngành cũng dự kiến có thể giảm lao động như khai khoáng khác; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic.

Để tiếp tục ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian tới sẽ tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Đặc biệt là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động), với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.

Cùng với đó, sẽ đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cũng như nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.

 
Theo Thu Hằng (Báo VnEconomy)