Do ảnh hưởng chung, từ tháng 3 năm nay đơn hàng của nhà máy Thuận Thiên giảm sút; công nhân chỉ làm 8 tiếng, nghỉ thứ 7. Ban giám đốc vẫn trả lương đầy đủ nhằm hỗ trợ công nhân, giữ người chờ sản xuất phục hồi.

Tuy nhiên, khi công ty mẹ báo về đã tìm được khách hàng mới, ký hơn ba triệu đôi giày cho dịp cuối năm, hàng loạt lao động muốn nghỉ việc. Ban đầu chỉ ít người nộp đơn, song đến đầu tháng 10, các bộ phận báo lên khoảng 500 người xin nghỉ rơi vào thời gian cao điểm sản xuất của nhà máy.

Kế hoạch của tập đoàn, riêng nhà máy ở quận 12 mỗi tháng phải làm 250.000-280.000 đôi. Ông Nguyễn Quang Toản, phụ trách nhân sự Công ty Thuận Thiên, nói để đảm bảo tiến độ, đơn vị cần 2.500 công nhân, nhưng hiện chỉ có 2.000 người. Hầu hết người thôi việc đều thâm niên 10-18 năm. "Công nhân muốn nghỉ để rút bảo hiểm một lần trước khi luật có hiệu lực", ông Toản cho biết. 

Phía công ty cho hay lao động nghỉ việc rộ lên từ tháng 7 khi thông tin về phương án nhận trợ cấp một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.

"Chúng tôi tìm mọi cách giữ chân bởi một công nhân có tay nghề làm bằng ba người mới. Nếu nhân sự liên tục nghỉ, công ty sẽ lâm vào khó khăn", ông Toản nói.

Cách nhà máy giày Thuận Thiên chừng 5 km, Công ty may Việt An rơi vào cảnh tương tự khi đơn hàng cuối năm bắt đầu có lại thì tâm lý công nhân xao động, muốn nghỉ để rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đại diện nhà máy cho biết kinh tế khó khăn ban giám đốc chấp nhận các đơn hàng từ lỗ đến hòa vốn. Doanh nghiệp đặt mục tiêu không lấy lời, chỉ cần lao động có việc, thu nhập để ở lại công ty chờ phục hồi. Nhưng điều doanh nghiệp không mong muốn là công nhân muốn nghỉ việc để rút bảo hiểm. Mỗi tháng có vài chục người nộp đơn, hầu hết thuộc nhóm công nhân lâu năm.

Người dân làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, sáng 26/7. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, ngày 26/7. Ảnh: Thanh Tùng

Nhà máy bị ảnh hưởng sản xuất do công nhân nộp đơn nghỉ việc chờ rút bảo hiểm cũng được các địa phương như Long An, Đồng Nai từng đề cập đến. Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đây, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, nói có doanh nghiệp hơn 5.000 lao động nhưng có đến hơn một nửa nộp đơn thôi việc.

Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai, cũng nêu tình trạng tương tự khi nhiều lao động nộp đơn nghỉ việc bất chấp việc nhà máy có đơn hàng, sản xuất ổn định.

Để thuyết phục công nhân ở lại, các nhà máy mời cán bộ công đoàn, ngành chức năng đến tư vấn. Bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nhận định những người đang có việc làm, thu nhập ổn định nhưng xin nghỉ để rút bảo hiểm không phải vì khó khăn. Họ nghe nhiều thông tin trên các trang xã hội rồi hiểu không chính xác, tâm lý xao động.

"Tôi chỉ đặt ra các câu hỏi để công nhân tự trả lời rồi quyết định", bà Khuyên nói. Đơn cử, lao động nói rút tiền ra đầu tư kinh doanh, gửi ngân hàng có lợi hơn để bảo hiểm. Tuy nhiên khi được hỏi ngược lại đã thấy ai, đồng nghiệp nào làm được như vậy chưa hay tiêu hết số tiền rút được, mọi người không trả lời được. Công nhân chê lương hưu thấp, khó sống khi được hỏi chuẩn bị gì để lo cho tuổi già hầu hết đều im lặng.

Bà Bảo Khuyên trong một buổi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho công nhân nhà máy của Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM. Ảnh: An Phương

Bà Bảo Khuyên trong một buổi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho công nhân nhà máy của Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM. Ảnh: An Phương

Ông Nguyễn Quang Toản cho biết sau khi được cán bộ công đoàn tư vấn, tình trạng ồ ạt nộp đơn nghỉ việc chững lại, một số rút đơn. Điều này chưa giúp ban giám đốc hết lo lắng do tâm lý công nhân rất dễ bị tác động. Ngoài tiếp tục tuyên truyền, doanh nghiệp đã lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự thay thế với các tiêu chí thoáng hơn nhưng lương cao hơn. Công đoàn nhà máy có quỹ tương trợ giúp công nhân khó khăn vay không lấy lãi...

"Chúng tôi xoay mọi cách để đảm bảo hoạt động sản xuất nhưng để ổn định thì người lao động phải hiểu ra lúc này có việc làm mới là quan trọng. Bảo hiểm chưa rút vẫn còn đó để lo cho tuổi già, không mất đi đâu cả", ông Toản nói.

Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng từ cuối năm ngoái khi đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch cắt lao động. Bắt đầu từ quý 3 năm nay, các công ty dệt may, da giày bắt đầu phục hồi, những nhà máy trước có kế hoạch giảm nhân công nay rút lại, tuyển người để sản xuất. Lúc này nhà máy lại đối mặt tình huống công nhân chủ động nghỉ chờ rút bảo hiểm.

"Thói quen rút bảo hiểm tồn tại quá lâu nên bất kỳ sự thay đổi nào cũng tạo ra tác động. Lúc này những doanh nghiệp có đơn hàng lại bị ảnh hưởng", bà Thúy nói. Để giảm sốc, giải pháp trước mắt là ngành chức năng kết nối lao động giúp các nhà máy đang thiếu nhân công.

Ngoài ra theo bà Thúy, ở giai đoạn này việc tuyên truyền cho công nhân rất quan trọng. Trách nhiệm không chỉ gói gọn trong doanh nghiệp mà cần mở rộng ra mạng xã hội, truyền thông và các cơ quan nhà nước liên quan với hình thức sinh động, dễ hiểu. Đặc biệt, chính sách cần làm rõ sự khác biệt về mức hưởng, chế độ của người gắn bó hệ thống an sinh lâu dài với người có thời gian đóng ngắn.

 
Theo Lê Tuyết (Báo VnExpress)