Kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh
Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ; Nâng cao tương tác giữa người và máy; Đặt con người làm trung tâm... - những từ khóa "hot" được nhấn mạnh khi nhắc đến kỷ nguyên 5.0.
Đây là kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh. Mốc thời gian được xác định sẽ diễn ra vào năm 2035 hoặc có thể sớm hơn.
Hơn bao giờ hết, máy tính và công nghệ thông tin (CNTT) chắc chắn sẽ trở thành công cụ hữu hiệu mà các nhà quản trị, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, luật, quản lý nhà nước, dữ liệu, truyền thông... cần hiểu và biết cách ứng dụng.
Chia sẻ tại buổi nói chuyện với chủ đề "Cái khó của nhân lực máy tính và công nghệ", ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tin học TPHCM - nhận định nhu cầu về nguồn nhân lực máy tính và CNTT sẽ tăng rất cao trong thời gian tới.
Ông đánh giá, lực lượng lao động chuyên ngành CNTT vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt các công ty làm gia công cho quốc tế. Một nhu cầu khác là các bạn trẻ đã và đang tự khởi nghiệp ở các môi trường quốc tế, không còn ở phạm vi Việt Nam.
Cùng với đó, lực lượng cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị sẽ tăng cao bởi vì thực tế nhu cầu của chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam. Thực hiện xã hội số cũng hướng tới phục vụ cho người dân được thụ hưởng càng nhiều thành tựu của công nghệ càng tốt.
Ngoài ra, việc quản lý kinh tế số, ứng dụng CNTT để nhằm tăng năng suất lao động bằng cũng được các doanh nghiệp chọn lựa.
Ở lĩnh vực an toàn thông tin, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh - chuyên gia tư vấn cấp cao của Công ty KasperSky lab Việt Nam - đưa ra một vài số liệu để chứng minh sự thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực này.
Theo tổ chức quốc tế về an toàn thông tin và các công ty bảo mật hàng đầu thế giới, ví dụ như là Kaspersky khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện tại đang thiếu khoảng 2 triệu chuyên gia về an toàn thông tin.
Tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo nhu cầu cần thiết dành cho sự phát triển vũ bão của công nghệ những năm gần đây là 700.000 nhân lực an toàn thông tin. Tuy nhiên, theo thống kê, chúng ta chỉ có chưa tới 10%, khoảng 50.000 đến 60.000 nhân sự.
Ông Nguyễn Đức Minh Quân - Giám đốc Trung tâm Giải pháp thông minh, Công ty FPT IS - cũng đánh giá cao vai trò của CNTT. Ông Quân cho rằng CNTT hay công nghệ giúp doanh nghiệp phát huy được những giá trị hiện hữu và doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển dụng những nhân viên có khả năng tốt về công nghệ.
"Cái khó" của nhân lực máy tính và công nghệ
Xu hướng là vậy, song, sự tiến triển nhanh chóng trong kỷ nguyên công nghệ cũng tạo ra những thế khó của nhân lực lĩnh vực máy tính và công nghệ.
Ông Ngô Văn Toàn - Chủ tịch BTZ Group - cho biết, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia phát triển khá mạnh và tốt trong lĩnh vực CNTT. Song sinh viên mới ra trường còn hạn chế về kỹ năng lực thực hành. Các trường đại học đã bắt đầu phối hợp với các doanh nghiệp để thu hẹp dần điều đó.
Một thách thức khác là yêu cầu tính hội nhập của ngành này rất cao. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh cũng rất quan trọng.
Chủ tịch BTZ Group cũng thẳng thắn chỉ ra việc rất nhiều sản phẩm, startup, công ty dù nỗ lực nhưng cuối cùng thất bại, công sức đổ sông đổ bể bởi vì không thể ra thị trường.
"CNTT không đơn giản là một ngành khoa học kỹ thuật mà thực sự là một ngành công nghiệp - một ngành công nghiệp hùng mạnh. Khi đã là công nghiệp thì phải thấy rằng để các sản phẩm đến được tay khách hàng sẽ trải qua rất nhiều công đoạn chứ không phải chỉ làm kỹ thuật không", ông Toàn nói.
Ông Toàn nhấn mạnh vai trò của marketing, bán hàng, chuỗi cung ứng,… đến thị trường công nghệ thông tin. Điều này dẫn tới tình trạng kể cả nhân lực mới ra trường hay có kinh nghiệm lâu năm cũng đều hạn chế khả năng liên kết nguyên một chuỗi giá trị kể trên.
"Chúng ta làm ra sản phẩm không phải chỉ thỏa mãn cho việc làm sản phẩm mà cuối cùng là có ai xài hay không? Khách hàng họ biết hay không? Và họ có dùng hay không? Cho nên nó liên quan tới rất nhiều kiến thức lẫn lĩnh vực chuyên môn về kinh doanh", ông Toàn nói.
Ngược lại, nếu nhân lực công nghệ không có những kiến thức cơ bản của kinh tế và tài chính sẽ không thể làm một sản phẩm đúng nghĩa để ra thị trường.
Đồng quan điểm, đại diện Hội Tin học TPHCM nhận xét sinh viên CNTT ra trường rất giỏi nhưng lại rất thiếu kiến thức về mặt nghiệp vụ, ngược lại, nhân lực nhiều ngành khác lại không có sự trang bị ban đầu về tính hệ thống, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tốc độ thay đổi về công nghệ càng ngày càng cao như hiện nay.
Chính vì thế, ông kiến nghị nên xem xét việc đào tạo tách biệt giữa khối CNTT với ngành nghiệp vụ như kinh tế, marketing để không có khoảng cách giữa hai bên.