Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành tiếp tục phát huy cao thành quả đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế. Song song đó, ngành nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Đầu năm đến nay, ngành LĐ-TB&XH thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5% - 1%; toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 27.000 lao động; đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,3%; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp…
Đến nay, trong lĩnh vực lao động - việc làm, đã cấp giấy phép cho lao động nước ngoài 39 trường hợp. Tổng số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh là 139 lao động, đạt tỷ lệ 97,2% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, số lao động nước ngoài làm việc trong các khu công nghiệp là 94 người.
Bên cạnh, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 8.724 trường hợp, trong đó lao động ngoài tỉnh trở về là 5.668 trường hợp, tăng 1,4% (119 trường hợp) so cùng kỳ. Có 296 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm trở lại làm việc, gồm 132 lao động trong tỉnh, 164 lao động ngoài tỉnh.
Toàn tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 23.539 trường hợp, tăng 63,3% (9.126 trường hợp) so cùng kỳ. Đặc biệt, trong công tác xuất khẩu lao động, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 405 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 107,7% so với năm 2023. Lao động làm việc tập trung ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Saudi Arabia.
Tư vấn, giới thiệu việc làm và ngành nghề đạo tạo cho người dân
Đẩy mạnh kênh kết nối việc làm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Ngày hội việc làm tại 6 huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Phú Tân, Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Thành, Tịnh Biên và 7 cụm/điểm tại 5 huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân, Tri Tôn, Thoại Sơn. Qua đó, có 11.680 lao động tham dự, tăng 76,5% (5.062 lao động) so với cùng kỳ và 234 doanh nghiệp (DN) tham dự (119 trực tuyến và 115 trực tiếp).
Hiện, DN vẫn tăng tuyển dụng, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động có trình độ, qua đào tạo. Liên tục những tháng qua, phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các DN trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động đến từng xã, thị trấn.
Nội dung tuyên truyền được chắt lọc dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung giới thiệu các chính sách hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo; chủ trương giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thường xuyên dưới 3 tháng… Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động, học sinh, sinh viên được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về cơ hội nghề nghiệp; quy trình, điều kiện tuyển dụng của các đơn vị, DN…
Tuy đánh giá có những tín hiệu khởi sắc, nhưng lĩnh vực lao động - việc làm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trong khi DN liên tục tuyển dụng số lượng lớn lao động, nhưng số lượng thực tế tuyển dụng được rất khiêm tốn. Một DN ngành may mặc tại Khu công nghiệp Bình Hòa chia sẻ: “Ngoài hình thức đăng tải trên mạng xã hội, gửi thông tin đến các địa phương nhờ hỗ trợ qua hệ thống truyền thanh, băng-rôn… chúng tôi còn tham gia cùng các ngành ở địa phương trực tiếp đến từng xã tuyên truyền, giới thiệu. Cái khó là đa số người dự đều là người lớn tuổi hoặc trẻ em, trong khi người lao động cần việc làm có mặt dự nghe rất ít. Việc truyền tải thông tin và trao đổi cụ thể về các chính sách, quyền lợi của DN đôi khi sẽ không được trọn vẹn đến đúng đối tượng cần nghe”.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động đến nay cơ bản được đảm bảo; quan hệ lao động trong các DN được duy trì hài hòa, ổn định. 6 tháng đầu năm, DN thực hiện đúng quy định việc chi trả tiền lương, tiền thưởng Tết, thời gian nghỉ Tết cho người lao động. Mức lương bình quân của lao động là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Riêng đối với DN thủy sản tuy gặp khó khăn do chi phí vận chuyển hàng hải tăng mạnh, nhưng trước nhu cầu nhập khẩu cá tra vẫn cao, các DN tìm cách thích ứng, đảm bảo chi lương bằng mức lương tối thiểu vùng đối với lực lượng lao động còn duy trì làm việc tại DN. Qua nắm tình hình các DN trên địa bàn tỉnh, phần lớn các DN đã có đơn hàng mới và bắt đầu mở rộng sản xuất - kinh doanh. Số lao động tại các DN trong tỉnh có xu hướng tăng lên chủ yếu tập trung ở ngành may mặc, da giày.
từ nay đến cuối năm, công tác lao động - việc làm là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm ngành LĐ-TB&XH gấp rút thực hiện gắn với các giải pháp cụ thể. Trọng tâm là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Đơn vị chuyên môn sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối thông tin về việc làm cho người lao động. tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức các điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp. Riêng lĩnh vực xuất khẩu lao động, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó, kết nối hỗ trợ DN tuyển dụng lao động và hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, ổn định đời sống.