Xây dựng thị trường lao động cần gắn chặt với xây dựng chính sách an sinh cho người lao động mới có thể tạo ra tính ổn định cho thị trường. Khi rủi ro về việc làm xảy ra, người lao động cần được hỗ trợ kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn và nhanh chóng quay trở lại thị trường, tiếp tục lao động.
Tuy nhiên, trước đó, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội từng chỉ ra rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.
Trao đổi tại tọa đàm "Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường việc làm linh hoạt, bền vững tại Việt Nam" do báo Dân trí và Cục Việc làm phối hợp tổ chức, ông Trần Tuấn Tú cho hay sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 28, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người lao động, đưa công cụ bảo hiểm thất nghiệp đi vào thực chất.
"Chính phủ cũng đã ban hành một chương trình hành động để triển khai Nghị quyết 28, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng trình Thủ tướng để ban hành đề án nâng cao năng lực cơ quan triển khai bảo hiểm thất nghiệp. Vừa qua, các điều kiện cho đối tượng thụ hưởng, các quy định thủ tục giấy tờ, quy trình thực hiện cũng được nới lỏng, khắc phục các hạn chế, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, linh hoạt hơn cho các khóa học nghề. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có những cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn Covid-19", ông Tú cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tú, trong các quy định hiện hành, người lao động phải có quan hệ lao động, tức là phải thuộc nhóm chính thức, thì mới là đối tượng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng thực tế trên thị trường, một số nhóm thực sự có phát sinh quan hệ lao động (có thỏa thuận cơ bản giữa người lao động và người sử dụng lao động về tiền lương, giờ làm việc, địa điểm, sự quản lý điều hành...) thì lại chưa được chính thức hóa, chưa ký hợp đồng và như vậy là nằm ngoài đối tượng của chính sách.
"Một số trường hợp lách luật như chuyển sang hợp đồng cộng tác viên, hay những người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ dù phát sinh quan hệ lao động nhưng chưa tính chính thức được. Do đó, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, thanh tra kiểm tra để những đối tượng thuộc nhóm được tham gia thì sẽ được tham gia, tăng diện bao phủ, tăng bảo vệ, giảm nguy cơ với người lao động", ông Trần Tuấn Tú chia sẻ.
Cũng theo mục tiêu của Nghị quyết 28, đến năm 2025, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đến năm 2030, con số sẽ là khoảng 45%. Theo số liệu đến tháng 5/2023, hiện mới có khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chỉ đạt tỷ lệ 31,18%.
"Nhưng từ 30 đến 35%, và từ 35% đến 45%, khoảng cách được đánh giá rất khó, nhất là khi chúng ta vừa bước qua dịch bệnh với những hệ lụy còn kéo dài. Mục tiêu đến năm 2025 muốn đạt được sẽ cần nỗ lực vượt bậc của các cơ quan, thông qua các giải pháp rất căn cơ, rất cụ thể", ông Tú phát biểu.
Vị này cũng chỉ ra rằng việc áp dụng các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ cũng là nguyên nhân khiến chính sách chưa được thực thi có hiệu quả trên phạm vi toàn thị trường. Hiện tại Việt Nam có cả quy định xử phạt hành chính cũng như xử lý hình sự đối với các trường hợp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan bảo hiểm thất nghiệp cũng đã chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị khởi tố nhưng đến nay vẫn chưa có vụ án hình sự nào khởi tố được một vụ án hình sự nào.