Công nhân một dây chuyền sản xuất của Công ty Lavi Food, Bến Lức, Long An. (Ảnh: Thanh Phong)
Công nhân một dây chuyền sản xuất của Công ty Lavi Food, Bến Lức, Long An. (Ảnh: Thanh Phong)

Ngày 2/3, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Việc làm, đại diện các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm của 34 tỉnh, thành phố.

Nỗ lực phục hồi thị trường lao động

Nhiều thách thức với thị trường lao động trong năm 2023 ảnh 1
Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023. (Ảnh: PV)

Báo cáo của Cục Việc làm cho biết, trong năm 2022, với các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động cơ bản đã phục hồi.

Cụ thể, lực lượng lao động tăng khá nhanh. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, tăng 0,8%.

Số lao động có việc làm tăng trở lại. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 877,3 nghìn người; lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, tăng 627,2 nghìn người.

Trong năm ngoái, số lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, giảm 0,89%.

Thu nhập của người lao động được cải thiện. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 927 nghìn đồng so với năm 2021, tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, giảm 0,89%. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,7% và 2,51%). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hơn 2,2 triệu lượt người, tăng 24,37% so với năm 2021. Số người được hỗ trợ học nghề là 21.825 người, tăng 18,82% so với năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Cục Việc làm cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại cần sớm tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, trọng tâm là chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và đang trong quá trình hội nhập.

Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2022, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,2%). Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Điều này dẫn tới việc thị trường lao động vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển thị trường lao động, Cục Việc làm đã được giao và triển khai một số nhiệm vụ. Nổi bật nhất là đơn vị đã tham mưu xây dựng Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 và triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động góp phần đưa người lao động nhanh chóng trở lại thị trường lao động, ngăn ngừa tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do tác động của đại dịch Covid-19. Triển khai chính sách này, đã có 5,3 triệu lượt lao động tại nhiều địa phương được hỗ trợ với kinh phí gần 3.800 tỷ đồng.

Cục Việc làm cũng tham mưu cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để trình Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Nhiều rủi ro và thách thức trong năm 2023

Nhiều thách thức với thị trường lao động trong năm 2023 ảnh 2

Lao động ngành thủy sản. (Ảnh: Bình An)

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau nên việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình lạm phát ở các nước đang đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.

Do đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Trong năm 2022, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2% thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, các trung tâm dịch vụ việc làm cần tăng cường các hoạt động thu thập, cung cấp thông tin, kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động. Chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chương trình, dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp...; ưu tiên cho vay đối với lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn... Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung-cầu lao động, việc quản lý sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ việc làm…

Về định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, một lãnh đạo Cục Việc làm chia sẻ, đơn vị sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Cùng với đó, Cục xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; các hoạt động trong kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Chú trọng hơn tới quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư…

Một số chỉ tiêu đặt ra của năm 2023

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: khoảng 68%, trong đó:

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: khoảng 27,5%

+ Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị: dưới 4%

+ Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội: khoảng 39-40 %

+ Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: khoảng 31,5-32%

(Nguồn: Kế hoạch hành động của ngành lao động-thương binh và xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ)

 
Theo Ngân Anh (Báo Nhân Dân)