Thông tư 29/2022/TT-BTC về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương ngạch công chức ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18-7-2022.

Bỏ nhiều chứng chỉ cho công chức hải quan

Theo đó, Thông tư mới đã không còn yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong phần tiêu chuẩn trình độ đào tạo của các ngạch công chức chuyên ngành thuế, kế toán, hải quan mà thay vào đó, nếu vị trí việc làm yêu cầu thì các ngạch công chức này để phải sử dụng thành thạo.

Những chính sách mới về công chức, viên chức có hiệu lực trong tháng 7 - Ảnh 1.

Từ ngày 18-7-22, sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho công chức kế toán, thuế, hải quan (Ảnh Minh họa)

Trước đó, theo Công văn số 2499/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ đề xuất sẽ có 74 ngạch công chức được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Và mới đây, đã áp dụng với công chức chuyên ngành hành chính, văn thư, tại Thông tư 02/2021/TT-BNV.

Ngoài ra, vẫn như Thông tư 77/2019/TT-BTC trước đây, công chức thuế, hải quan, kế toán được xếp lương như sau: Công chức ngạch kiểm tra viên cao cấp thuế, kiểm tra viên cao cấp hải quan hệ số 6,2 - 8,0; ngạch kế toán viên cao cấp có hệ số lương từ 5,75 - 7,55. Công chức ngạch kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên chính hải quan có hệ số lương từ 4,4 - 6,78; ngạch kế toán viên chính có hệ số lương từ 4,0 - 6,38.

Ngạch kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan có hệ số lương từ 2,34 - 4,98. Ngạch kế toán viên trung cấp, kiểm tra viên trung cấp thuế, kiểm tra viên trung cấp hải quan có hệ số lương từ 2,1 - 4,89. Ngạch nhân viên hải quan, nhân viên thuế có hệ số lương từ 1,86 - 4,06.

Hỗ trợ học phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên

Nội dung này được quy định chi tiết tại Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện 2019 - 2030.

 
 
Những chính sách mới về công chức, viên chức có hiệu lực trong tháng 7 - Ảnh 2.

Theo quy định, từ ngày20-7-2022 sẽ hỗ trợ học phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cho giảng viên (Ảnh minh họa)

Theo đó, khoản 1 Điều 3 Thông tư này quy định về hỗ trợ giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài toàn thời gian như sau:

- Học phí: Thanh toán theo hợp đồng ký kết với cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc theo mức mà cơ sở đào tạo nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên. Mức hỗ trợ tối đa không quá 25.000 USD/người/năm học. Nếu mức học phí cao hơn mức trên thì người học phải tự chi trả hoặc do trường đại học cử giảng viên đi học mức chênh lệch này.

- Chi phí làm hộ chiếu, visa: Nếu cấp mới hộ chiếu, phí cấp là 200.000 đồng/lần cấp; cấp lại do bị hỏng/bị mất: 400.000 đồng/lần cấp; lệ phí cấp visa theo hoá đơn thực tế của nước mà người học được cử đi đào tạo.

- Sinh hoạt phí: Cấp theo thời gian học thực tế ở nước ngoài, tính từ ngày nhập học cho đến khi kết thúc khoá học; nếu đi Ấn Độ, Trung Quốc mức sinh hoạt phí là 455 USD/người/tháng; đi Mỹ là 1300 USD/người/tháng…

- Bảo hiểm y tế bắt buộc: Theo quy định của nước sở tại nhưng không quá 1000 USD/người/năm. Nếu muốn mua ở mức cao hơn thì phải tự bù vào phần chênh lệch.

- Tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông): Được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nước học tập và từ nơi học tập về Việt Nam trong toàn bộ thời gian đào tạo.

- Chi phí đi đường: 100 USD/người/toàn bộ thời gian đào tạo. (Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20-7-2022).

 
Theo https://nld.com.vn