Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), tình hình thị trường lao động quý III/2023 có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới.
Kết quả khảo sát 14.540 lượt doanh nghiệp cho thấy, họ có nhu cầu tuyển dụng gần 70.000 lao động. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng chỉ tập trung vào một số ngành nghề. 10 nhóm ngành nghề chính chiếm gần 79% tổng nhu cầu tuyển dụng, các nhóm nghề khác chỉ chiếm hơn 21% nhu cầu tuyển dụng.
Đứng đầu là nhóm nghề kinh doanh thương mại. Nhóm này cần hơn 23.500 chỗ làm việc, chiếm 33,6% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh, giám sát bán hàng, quản lý cửa hàng, nhân viên bán hàng và hỗ trợ bán hàng…
Nhóm nghề dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cũng cần hơn 9.000 chỗ làm việc, chiếm 12,95% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí như: Giúp việc gia đình, giao hàng, bảo vệ, nhân viên chăm sóc sắc đẹp…
Dù thị trường trầm lắng, ngành bất động sản vẫn có nhu cầu tuyển mới hơn 4.500 chỗ làm việc, chiếm 6,48% tổng nhu cầu nhân lực, đứng thứ 3 trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất quý III/2023. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tập trung vào các vị trí như: nhân viên kinh doanh, tư vấn, môi giới bất động sản, quản lý tòa nhà…
7 nhóm ngành khác có nhu cầu tuyển dụng cao là dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển (cần hơn 3.900 chỗ làm); kế toán - kiểm toán (cần gần 3.500 chỗ làm); công nghệ thông tin (cần hơn 2.500 chỗ làm); hành chính - văn phòng - biên phiên dịch (cần hơn 2.500 chỗ làm); marketing (cần hơn 2.000 chỗ làm); cơ khí - tự động hóa (cần hơn 1.900 chỗ làm) và dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống (cần gần 1.800 chỗ làm).
Tất cả các nhóm ngành nghề khác chỉ có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.700 chỗ làm việc, chiếm 21% tổng nhu cầu nhân lực.
Tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng trong năm 2023 vẫn có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm lao động. Vì vậy, người lao động cần chủ động tìm kiếm những công việc khác có nhu cầu tuyển dụng để tiếp tục tham gia thị trường.
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, thị trường lao động - việc làm ngày càng thay đổi năng động và cạnh tranh quyết liệt, nhu cầu nhân lực tập trung vào lao động có trình độ, kỹ năng.
Do đó, người lao động cần đa dạng hóa kỹ năng, tích cực nâng cao kiến thức, đề cao tính kỷ luật, nâng cao hiệu quả công việc để bắt nhịp tốt và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân.
Đặc biệt, trong thời gian bị giãn việc thì người lao động càng phải chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề để chuyển hướng, tìm kiếm công việc ở những ngành nghề phù hợp.