Báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến hết năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 159.986 lao động, đạt 133,3% kế hoạch được giao (110.000-120.000 lao động).

Trong đó, Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu trong tiếp nhận lao động Việt Nam với 80.000 người. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc) với trên 58.000 lao động, Hàn Quốc trên 11.000 lao động. Đây cũng là 3 thị trường trọng điểm có số lao động sang làm việc tăng trưởng mạnh mẽ nhiều năm qua.

Thông qua việc đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế về lao động với các quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH dự báo, trong năm 2024 sẽ tăng thêm nhiều cơ hội việc làm tại nước ngoài cho lao động Việt Nam.

Phấn đấu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 1

Bộ LĐ-TB&XH phấn đấu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đặc biệt, sau khi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký kết Bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận lao động, việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ thuận lợi hơn.

Đáng chú ý, việc đàm phán mở rộng ngành nghề, thị trường tiếp nhận lao động với các đối tác Hàn Quốc, Đức, Australia tiếp tục được thúc đẩy, mở rộng thị trường cho những năm tới.

Trên cơ sở nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục gia tăng, năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa khoảng 125.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để đạt được nhiệm vụ đề ra, Bộ sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, chú trọng ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Công tác thông tin, tuyên truyền cũng sẽ được tăng cường, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Liên quan đến lĩnh vực này, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nhận định, song song với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa thị trường lao động trong và ngoài nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành LĐ-TB&XH hướng tới là đưa hợp tác về lao động với các nước lên tầm cao mới, chuyển sang chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.

  
Theo Sơn Nguyễn (Báo Dân Trí)