Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

Với các đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát toàn bộ khung pháp lý để có cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan cho phù hợp trước 31/12/2024. Phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù sẽ được bảo lưu.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách với đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các đại biểu bấm nút biểu quyết ở Quốc hội sáng 29/6

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (bìa phải) và các đại biểu bấm nút biểu quyết ở Quốc hội sáng 29/6. Ảnh: Media Quốc hội

Do chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới như nghị quyết về cải cách tiền lương nên Quốc hội đồng ý giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Từ 1/7, tiền lương công chức, viên chức vẫn được tính trên nền lương cơ sở nhân hệ số hiện hưởng tùy từng nhóm. Phụ cấp được tính căn cứ trên nền 2,34 triệu đồng nhân hệ số được hưởng. Ngoài ra, các khoản phụ cấp tính theo % lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng lương cơ sở cộng mức phụ cấp đó nhân với tỷ lệ % được hưởng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính thì nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 phải tăng thêm 913.300 tỷ đồng. Đến hết năm năm 2023 cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15. Hàng đầu, từ trái qua là Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15. Hàng đầu, từ trái qua là Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật, với chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến về dự thảo quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

 
Theo Phạm Dự (Báo VnExpress)