Ngày 3/1, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết đây là số lượng dự kiến trúng tuyển theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). So với đợt đầu năm 2023, số lượng dự kiến trúng tuyển năm nay tăng hơn 3.000 người.

Người lao động cần vượt qua hai vòng thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn và đánh giá tay nghề. "Số lượng tuyển các đợt sau sẽ tùy vào nhu cầu tiếp nhận từ phía Hàn Quốc", ông Hồng nói.

Chỉ tiêu các ngành nghề gồm sản xuất chế tạo hơn 11.200 người, xây dựng 200 người, nông nghiệp gần 900 người và ngư nghiệp khoảng 3.000. Năm nay, phía Hàn Quốc tiếp nhận thêm lao động làm nghề cốt thép, mộc nằm trong nhóm ngành xây dựng.

Thí sinh bước qua cổng từ, phòng chống gian lận tại kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh bước qua cổng từ, phòng chống gian lận tại kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Lao động dự thi độ tuổi 18-39, chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Người từng cư trú bất hợp pháp nhưng tự nguyện về nước theo quy định phải xuất trình được giấy tờ chứng minh. Lao động thi tuyển ngành nông, ngư nghiệp có thêm điều kiện là người dân tộc thiểu số, thường trú tại một trong 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Thời gian đăng ký dự thi vào cuối tháng 1, kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn từ ngày 5/3 đến 14/6. Lao động vượt qua vòng này sẽ được kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực vào ngày 16/4-6/7. Qua hai vòng, lao động đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài lệ phí đăng ký dự thi 28 USD (khoảng 585.000 đồng), thí sinh không phải nộp thêm khoản nào khác. 

Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) khởi động từ năm 2004. Đến nay, Việt Nam đưa khoảng 127.000 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Tới tháng 10/2023, trên 36.000 lao động EPS trong đó có 10.000 người cư trú trái phép, đang làm việc và sinh sống tại nước này.

Đến hết tháng 11/2023, gần 1.700 khoản bảo hiểm với hơn 1,8 tỷ won (khoảng 36 tỷ đồng) còn tồn đọng do lao động hồi hương từ Hàn Quốc chưa đến nhận. Theo quy định, người đi làm việc theo Chương trình EPS khi hết hợp đồng, về nước đúng hạn được nhận hai khoản bảo hiểm từ phía Hàn Quốc. Khoản bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh cho mỗi năm làm việc, tương đương một tháng lương cơ bản và bảo hiểm hồi hương 400.000 won để mua vé máy bay về nước.

Tiền tồn đọng một phần do lao động chưa hoàn thiện thủ tục nhận vì số tiền không lớn, một số thay đổi địa chỉ không xác định được do cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc chuyển đổi sang chương trình khác. Trước đó, phía Hàn Quốc đã chi trả 3.330 khoản bảo hiểm với lao động hồi hương với hơn 2 tỷ won, khoảng 40 tỷ đồng.

Năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 155.000 người đi làm việc tại nước ngoài, tăng hơn 8,5% so với năm 2022. Hiện, khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 
Theo Hồng Chiêu (Báo Vnexpress)