Lao động vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài còn chiếm tỷ lệ nhỏ

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác giảm nghèo bền vững cho người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước, từ năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ đưa người lao động tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Tạo cơ hội để người nghèo đi lao động nước ngoài
Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những năm gần đây liên tục tăng, nhưng người lao động vùng khó khăn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ LĐTBXH, các chính sách đã hỗ trợ người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ có ý thức học nghề, ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng, kỷ luật, để đáp ứng yêu cầu làm việc tại các nước có nền kinh tế phát triển, với thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi trở về, người lao động có một khoản tiền tiết kiệm, cộng với tay nghề và tư duy mới đã góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh cho gia đình, địa phương, từ đó là tiền đề giúp giảm nghèo bền vững.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết trong những năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng, trung bình khoảng 8-10%/năm đặc biệt, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số lượng lao động đi làm việc tại các nước có thu nhập tốt và ổn định như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các thị trường này chiếm tới 95% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Tuy nhiên, số lượng lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Nguyên nhân do địa bàn vùng biên giới là vùng sâu, vùng xa, người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng ít tuyển, do chi phí để tuyển lao động cao hơn các vùng miền khác, hiệu quả không cao do số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài không nhiều. Bên cạnh đó, người lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, trình độ văn hóa, và sức khỏe để đi làm việc tại các thị trường có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với các thị trường có mức thu nhập trung bình như Trung Đông, Malaysia không thu hút được người lao động tham gia. Ngoài ra, người lao động có tâm lý không muốn đi xa, ngại học ngoại ngữ, tâm lý muốn đi ngay mà không cần phải học. Mặt khác, nhu cầu tuyển dụng người lao động tại các khu công nghiệp rất lớn, cạnh tranh trực tiếp với nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số địa phương, chính quyền còn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đi làm việc ở nước ngoài trong việc tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, do đó chưa tạo thành phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ưu tiên đặc biệt cho lao động vùng khó khăn

Để tăng cường công tác đưa người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách và vận động các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đàm phán với phía Hàn Quốc về việc ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc tại nước này theo Chương trình EPS, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp đồng thời, cần có hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài…

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc đưa lao động là người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đi làm việc tại nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Theo Bộ trưởng, hiện đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài. Tất cả những lao động là người dân tộc thiểu số nằm ở vùng sâu, vùng xa, các huyện đặc biệt khó khăn được miễn phí các chế độ chính sách, bao gồm học nghề, học ngoại ngữ, miến toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này. Bên cạnh đó, Bộ đã ký với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) một chính sách miễn phí toàn bộ theo chương trình phi lợi nhuận với đối tượng lao động dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục quan tâm tìm giải pháp thúc đẩy hơn nữa việc đưa người lao động vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài.

 
Theo Tú Anh (Báo Lao động thủ đô)