Ông Sơn nhấn mạnh, khi có điều kiện, người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Mọi người tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau.
Trong thực tế, nhiều người lao động (NLĐ) khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này.
Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, việc siết quy định rút BHXH một lần là cần thiết. Ông Huân cho rằng, rút BHXH một lần có thể giúp NLĐ ổn định cuộc sống trước mắt nhưng về lâu dài NLĐ sẽ rất thiệt thòi và gánh chịu rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên để giữ chân được NLĐ ở lại hệ thống cần phải làm rõ những quyền lợi mà họ được hưởng khi tham gia BHXH. Thực tế chúng ta thấy lý do vì kinh tế rút BHXH 1 lần là có thật, song đó chỉ là con số rất nhỏ, phần còn lại vì nhiều người vẫn còn băn khoăn tiền để lại trong quỹ liệu có an toàn và sau này có dễ dàng lấy? Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đầu tư sinh lời hiệu quả và NLĐ phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, NLĐ sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội vàng rút một lần.
“Theo tôi ngoài 2 phương án như Ban soạn thảo đề xuất cần có thêm phương án 3, đó là siết lại quy định hưởng BHXH một lần. Biết rằng, một số NLĐ khó khăn nhưng nếu rút BHXH một lần hết thì gánh nặng sau này rất lớn. Cho nên, trước mắt quy định cho NLĐ rút BHXH một phần, phần còn lại để lại sau này có lương hưu. Hướng tới, chúng ta nên thực hiện như các nước, khi còn tuổi lao động thì không cho rút BHXH một lần, để sau này hết tuổi làm việc được hưởng lương hưu” - ông Huân nói.
Còn theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nâng cao đời sống cho NLĐ là chìa khóa quyết định. Bản chất của việc rút BHXH một lần là để giải quyết khó khăn trước mắt cho NLĐ khi mất việc làm. Vì vậy, muốn hạn chế tình trạng trên cần phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Một nguyên nhân dẫn đến việc rút BHXH một lần còn do tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH khiến niềm tin của NLĐ vào hệ thống này thấp. Vừa qua, nhiều trường hợp NLĐ không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Do đó, cần tăng cường biện pháp, đảm bảo thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho NLĐ.
“Theo tôi, để giải quyết căn cơ tình trạng NLĐ rút BHXH một lần quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Đồng thời, tiền lương phải bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro” - ông Quảng nói.
Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn rút BHXH một lần sau khi đủ điều kiện hưởng. Do đó, nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì có quyền lựa chọn rút BHXH một lần bất kể thời điểm nào căn cứ vào nhu cầu thực tế của mình. Nhưng rút BHXH một lần sẽ đưa tới thiệt thòi lâu dài cho người lao động.