Nhiều tín hiệu tích cực
Trước thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Thực tế nắm bắt nhu cầu của Hàn Quốc, từ giữa năm 2022, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực triển khai đào tạo, hỗ trợ để đẩy nhanh số lượng lao động được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy tăng số lượng nhập cảnh của lao động EPS, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nhằm nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc. Năm 2022, theo chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (chương trình EPS), Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh trong tổng chỉ tiêu 70.000 cho 16 nước tham gia phái cử.
“Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Theo đó, Văn phòng EPS sẽ tập trung phối hợp với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức đón và có những định hướng cho tất cả người lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Qua đó sẽ giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và công việc tại nước này” - ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc cho biết.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng hứa hẹn bùng nổ trong năm tới khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TPHCM), lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ bùng nổ trong năm 2023, bởi những tín hiệu khả quan từ các thị trường truyền thống đến những thị trường mới cao cấp hơn. Cụ thể, các thị trường tiềm năng khác ngoài châu Âu cũng sẽ là tâm điểm chú ý của người lao động có tay nghề trong năm 2023. Đó là Úc, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực. Năm 2021, Chính phủ Úc đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, người lao động Việt Nam có thể đến Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập khoảng 80 triệu đồng/tháng.
Nâng chất lao động xuất khẩu
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), sẽ không quá khó bởi hiện mới đầu năm nhưng chỉ tiêu từ các thị trường đã khá dồi dào. Bên cạnh việc đạt mục tiêu về số lượng, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, năm 2023 mục tiêu của việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài không còn đơn thuần là xóa đói giảm nghèo, mà để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi để trở về khởi nghiệp. Tính từ đầu tháng 1 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 21.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 95%.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Bá Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu cho biết, hiện đơn đối tác khá nhiều, song công ty thực hiện chọn lọc đối tác cũng như đơn hàng phù hợp bởi hiện xu hướng đi làm việc ở nước ngoài của người lao động đã thay đổi. Họ tìm hiểu, chọn lựa rất kỹ thị trường. Đặc biệt, nếu công ty không có những chính sách hỗ trợ tốt sẽ không thu hút được nhân lực.
Chia sẻ về định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vững, ổn định các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; khai thác để tăng dần số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại châu Âu, Singapore ở các ngành nghề có việc làm ổn định, thu nhập cao; mở ra thị trường mới ở Australia và Israel...
“Để nâng chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục, các trường, cũng như các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, trình độ của thị trường lao động ngoài nước” - ông Liêm nhấn mạnh.
Với những người có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, những công ty dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài được cấp phép đều có tên trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: http://www.dolab.gov.vn/. Người dân nên tránh qua các đầu mối trung gian để tránh tình trạng bị lừa đảo.