Những năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường được nhiều lao động Việt Nam chọn đến làm việc nhiều nhất. Chính vì vậy, không khó để lý giải những băn khăn, lo lắng của người lao động (NLĐ) và các doanh nghiệp (DN) dịch vụ phái cử lao động sau thông tin Nhật Bản sẽ dừng chương trình thực tập kỹ năng (TTKN) dành cho lao động người nước ngoài.
Bất an
Theo ghi nhận từ Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), hiện có hàng chục ngàn lao động đang học tập, rèn luyện để đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc theo chương trình TTKN. Bên cạnh đó, cũng có hàng ngàn người đang tìm hiểu chương trình này để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn khi thị trường lao động trong nước đang khó khăn.
Từ Ngọc Vũ (28 tuổi, huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết 5 năm làm công nhân gần nhà không dư giả gì nên muốn ra nước ngoài làm việc. Chưa học hết THPT, cũng không có kỹ năng nghề nên Vũ tìm hiểu chương trình TTKN tại Nhật Bản. Được một DN dịch vụ tư vấn đi theo đơn sản xuất bê-tông 3 năm với tổng chi phí 55 triệu đồng, thấy phù hợp nên Vũ đồng ý tham gia.
"Tôi chuẩn bị lên trường nhập học tiếng Nhật thì người bạn gửi cho bài báo nói Nhật sẽ bỏ chương trình. Tôi liên hệ công ty thì được trả lời là mọi việc vẫn bình thường. Do bất an nên tôi chưa vội nhập học, để nghe ngóng tình hình xem sao vì chưa có gì bảo đảm cả" - Vũ bày tỏ.
Đông đảo lao động trẻ tìm hiểu chương trình làm việc ở Nhật Bản tại Trường ĐH Cần Thơ vào ngày 15-4 vừa qua
Chị Lê Thị Ngọc Linh, chuyên viên tư vấn tuyển sinh của một DN dịch vụ phái cử lao động sang Nhật Bản làm việc có văn phòng tại quận Phú Nhuận (TP HCM), cho biết tâm lý lo lắng của học viên khá lớn sau khi có thông tin Nhật Bản dừng chương trình TTKN. Nhiều học viên trực tiếp gặp bộ phận tuyển sinh và ban giám đốc để phản ánh, có trường hợp muốn rút hồ sơ, ngừng tham gia chương trình. Tuy nhiên, sau khi được giải thích cặn kẽ thì tâm lý học viên đã ổn định.
Một số DN dịch vụ cũng cho biết cả học viên và phụ huynh liên tục gọi điện đến công ty để biết thêm thông tin. Đa số họ lo lắng vì tiếp cận thông tin còn hạn chế. Nhiều học viên chủ động nói chuyện với nhà tuyển dụng tại Nhật Bản để yên tâm học tập. Phía các nghiệp đoàn Nhật Bản cũng nhanh chóng phản hồi để trấn an NLĐ.
Giải tỏa lo lắng
Theo nhận định của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài để bổ sung vào lực lượng lao động. JICA cũng cho biết Nhật Bản đang có những động thái cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ với NLĐ nước ngoài, nhất là lao động chất lượng cao trong các ngành sản xuất, chế tạo...
Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (quận 7, TP HCM), khẳng định Nhật Bản rất thiếu lao động và các DN ở nước này rất cần lao động Việt Nam. Các hoạt động tuyển dụng, phỏng vấn diễn ra nhộn nhịp và ngày càng nhiều nghiệp đoàn Nhật Bản đến Việt Nam xúc tiến tuyển dụng. Con số 17.696 lao động Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc chỉ trong 3 tháng đầu năm nay là minh chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi có thông tin Nhật Bản xem xét dừng chương trình TTKN, DN dịch vụ ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Ban đầu, chúng tôi hết sức bối rối nhưng khi nhờ báo chí đăng bài phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) thì yên tâm hơn. Các đối tác ở Nhật Bản cũng đã thông tin rõ ràng về mục đích nâng cấp chương trình TTKN" - ông Bình nói.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Chuyển giao lao động và Chuyên gia Suleco (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết trong buổi tư vấn tuyển sinh mới đây tại Trường ĐH Cần Thơ, nhiều bạn trẻ rất quan tâm đến thông tin Nhật Bản sẽ dừng chương trình TTKN. Sau khi được giải thích, các bạn đã hiểu bản chất vấn đề và mong muốn được sang Nhật Bản dù chương trình có thay đổi như thế nào.
"Hiện NLĐ và cả sinh viên rất hào hứng với các chương trình sang Nhật Bản làm việc bởi mức phí thấp, nhiều lựa chọn công việc và một cộng đồng thực tập sinh Việt Nam đông đảo. Dù chưa biết Nhật Bản sẽ quyết định thay thế hay nâng cấp chương trình TTKN như thế nào nhưng con đường sang Nhật làm việc vẫn tiếp tục rộng mở cho NLĐ Việt Nam" - bà Hạnh nói.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS:
Cải thiện chế độ làm việc cho thực tập sinh
"Nhật Bản có dừng hay thay thế chương trình TTKN hay không còn phải đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Nhật Bản. Đây mới chỉ là đề xuất đưa ra để thảo luận, xem xét lấy ý kiến của giới chuyên gia nhưng chúng tôi hoan nghênh việc cải thiện chế độ làm việc theo hướng có lợi cho thực tập sinh. VAMAS đã trao đổi với Bộ Tư pháp Nhật Bản để nâng cấp chương trình TTKN và phía bạn rất ủng hộ".