Nhu cầu tuyển dụng lớn hơn số lao động bị mất việc

Chiều 12/1, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Thông tin tại hội nghị về lĩnh vực thị trường lao động, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy cho biết, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước.

Trong số đó, 51,3 triệu lao động có việc làm.

Thị trường lao động phục hồi, hàng triệu lao động được giới thiệu việc làm - 1

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy (Ảnh: Văn Quang).

Ông Huy cho hay, trong tháng 9/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Bước sang tháng 10, tháng 11/2023, thị trường lao động khởi sắc theo đà phục hồi của kinh tế - xã hội. Điều này, thể hiện qua chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng, như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, TPHCM...

Thị trường lao động phục hồi, hàng triệu lao động được giới thiệu việc làm - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị (Ảnh: Văn Quang).

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Việc làm nhận định, số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường chưa cải thiện về chất lượng lao động.

Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, năm 2023, hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp này.

Bên cạnh đó, đã có 2,35 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Số người được giới thiệu việc làm như vậy tăng 5.8% so với cùng kỳ. 

Thị trường lao động phục hồi, hàng triệu lao động được giới thiệu việc làm - 3

Phó Tổng biên tập báo Dân trí Nguyễn Xuân Toàn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Văn Quang).

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Tổng biên tập báo Dân trí Nguyễn Xuân Toàn chúc mừng những thành tích đã đạt được trong năm 2023 của Cục Việc làm. Để làm nên thành tựu đó, có vai trò quan trọng của cơ quan truyền thông, báo chí.

Trong năm 2023, báo Dân trí đã đẩy mạnh truyền thông chính sách của ngành lao động - thương binh và xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhất là chính sách với người lao động, như việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội. 

Trong năm 2024, ông Nguyễn Xuân Toàn kiến nghị, Cục Việc làm sớm xây dựng chương trình, đề cương tuyên truyền xuyên suốt. Bởi, các chính sách đang sửa đổi như Luật Việc làm hay những chính sách đã có hiệu lực muốn đi sâu vào cuộc sống, công tác truyền thông cần đi trước một bước.

Dự báo thị trường lao động hiện tại và tương lai

Chốt lại hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình thông tin về lĩnh vực thị trường lao động, quản lý lao động, chuyển đổi số….

Thị trường lao động phục hồi, hàng triệu lao động được giới thiệu việc làm - 4

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chốt lại các nội dung, định hướng công tác năm 2023 (Ảnh: Văn Quang).

Đặc biệt, về xây dựng chính sách, Cục Việc làm xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Khi xây dựng dự án luật này, Cục xác định nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…

"Luật Việc làm sửa đổi xây dựng nội hàm để củng cố thể chế, luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động, thể hiện vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ làm rõ vai trò doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, cung cấp, kết nối với hệ thống trung tâm việc làm của nhà nước", ông Bình nói.

Nói thêm về định hướng đề ra, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, thị trường lao động được Chính phủ xếp ngang những thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, bất động sản…

Hoạt động nổi bật của ngành lao động trong thời gian qua là việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Việc làm sửa đổi với ý tưởng mới hơn về phát triển thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất cơ chế đánh giá kỹ năng nghề…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng lưu ý thêm hướng xử lý những vấn đề tồn tại liên quan đến dự báo cung cầu lao động, thị trường lao động, quản lý lao động cũng như việc giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thị trường lao động phục hồi, hàng triệu lao động được giới thiệu việc làm - 5

Thứ trưởng Lê Văn Thanh (Ảnh: Văn Quang).

Trong năm 2024, ông Thanh yêu cầu sự năng động, sáng tạo, chủ động hơn trong hoạt động xây dựng thể chế, đảm bảo chính sách bám sát thực tiễn, theo kịp các thay đổi của thời đại và tuân thủ thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng cũng nhắc Cục Việc làm tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Bên cạnh đó, Cục Việc làm cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành trong việc thực hiện kết nối cung - cầu lao động.

Thứ trưởng yêu cầu tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

"Bên cạnh đó, Cục cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và phát hiện những nội dung mới, làm cơ sở để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và đặc biệt chú trọng củng cố kỷ cương, tính đoàn kết trong đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để triển khai công việc tốt hơn", ông Thanh khái quát.

 
Theo Hoa Lê (Báo Dân Trí)