Ngày 27/10, công ty cổ phần Garmex Sài Gòn công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo báo cáo này, trong quý III/2023, công ty không có đơn hàng nên doanh thu cả quý chỉ hơn 73 triệu đồng. Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm là gần 8,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ riêng doanh thu quý III/2022 của công ty là hơn 11 tỷ đồng, lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 lên đến 275,2 tỷ đồng, doanh thu cả năm 2022 là gần 292,2 tỷ đồng.

Thiếu đơn hàng, công ty gần 4.000 lao động cắt giảm chỉ còn... 35 người - 1

Một nhà máy của Garmex Sài Gòn tại TPHCM trong giai đoạn còn nhiều đơn hàng (Ảnh minh họa: Garmex Sài Gòn).

Theo giải trình của Tổng giám đốc Garmex Sài Gòn, trong cả quý, công ty không có đơn hàng sản xuất nên không phát sinh doanh thu. Doanh thu 73 triệu đồng là từ hoạt động dịch vụ.

Doanh thu không có nhưng công ty vẫn phải duy trì trả thù lao cho nhân sự và tiền thuê mặt bằng nên hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ.

Do tình hình thua lỗ, hiện Garmex Sài Gòn cũng không có đơn hàng nên buộc phải cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động để tiết giảm chi phí, giảm thiểu thiệt hại trong giai đoạn khó khăn.

Tình hình khó khăn tại Garmex Sài Gòn diễn ra từ năm 2022, khi mà đơn hàng xuất khẩu giảm 93%, hoạt động kinh doanh chủ yếu là gia công hàng trong nước. Từ giữa tháng 8/2022, đơn hàng gia công cũng chững lại, hàng sản xuất chưa giao được, tồn kho tăng…

Do đó, việc cắt giảm nhân sự đã được công ty thực hiện từ năm 2022. Cuối năm 2021, công ty có 3.780 lao động. Trong năm 2022, Garmex Sài Gòn cắt giảm 1.679 lao động, chỉ còn 2.101 người.

Đến báo cáo đại hội cổ đông bất thường vào ngày 27/9, công ty chỉ còn 35 nhân sự bắt buộc phải duy trì để vận hành hoạt động, lao động sản xuất hầu như không còn.

Trước đó, tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 27/9, đại diện ban lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết ngành dệt may chưa có biến động lớn, hàng của công ty tồn kho còn nhiều ở nước ngoài, nhu cầu thị trường Mỹ, Châu Âu chưa có sự tăng trưởng lớn.

Do đó, công ty chưa có kế hoạch tuyển lại lao động cho ngành truyền thống là may mặc và siết lại chi phí, giải quyết hàng tồn đọng, tiến hành khai thác tài sản hiện có hoặc thanh lý các tài sản không cần dùng để duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn.

  
Theo Tùng Nguyên (Báo Dân Trí)