Nhiều vị trí việc làm có mức lương hấp dẫn
Tại Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố, 121 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 15.578 vị trí việc làm. Trong đó, tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất.
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang đang cần tuyển 3.273 công nhân, Bắc Ninh còn thiếu gần 3.000 vị trí việc làm. Hầu hết các địa phương này có nhu cầu tuyển dụng công nhân sản xuất điện tử.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề như sản xuất nhựa, may mặc và kinh doanh - marketing, xây dựng, cơ khí - hàn, thợ vận hành máy, bán hàng - thu ngân, kế hoạch sản xuất, kế toán - kiểm toán… cũng có nhu cầu tuyển dụng, nhưng số lượng ít hơn công nhân sản xuất điện tử.
Lao động phổ thông là nhóm có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất, chiếm gần một nửa trong tổng số việc làm.
Qua tổng hợp, các doanh nghiệp chủ yếu đưa ra mức thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng cho các vị trí như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng dành cho những lao động chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Ngoài ra là các vị trí có phân khúc lương khác như 5-7 triệu đồng/tháng, thường dành cho lao động chưa có tay nghề.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục có sự biến động.
Vì vậy, người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo cùng sự chuyển động của thị trường lao động.
Thị trường lao động trên đà phục hồi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đánh giá, trong 8 tháng đầu năm, tổng thể thị trường lao động vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế.
Theo đó, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững.
Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có những hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Đặc biệt là tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong thời gian này, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tăng nhẹ với 459.300 lao động trong quý II.
Theo Bộ này, việc cắt, giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay mang tính chất cục bộ, không phải trên diện rộng mà chỉ tập trung ở một số ít ngành và tại những địa phương tập trung nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Mặt khác, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 1,7 triệu lượt người; trong đó, số có việc làm trên 300.000 lượt người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo các ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng như lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bán buôn, sản xuất thiết bị điện...