Liên quan đến vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất và cao nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được góp ý đề nghị xác định căn cứ đối với việc lấy mốc 2.000.000 đồng và 36.000.000 đồng là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất và cao nhất.
Bên cạnh đó, việc đưa ra con số cụ thể đồng thời giao Chính phủ điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất và cao nhất trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế là không phù hợp về thẩm quyền.
Đối với vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì tới đây sẽ không còn “mức lương cơ sở”.
Do vậy, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27 thì cần thiết phải sửa đổi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cao nhất theo hướng không gắn với mức lương cơ sở.
Theo quy định hiện hành, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cao nhất hiện nay là 36.000.000 đồng; tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất áp dụng đối với một số nhóm đối tượng đặc thù (hưởng sinh hoạt phí, phụ cấp) là 1.800.000 đồng (tính theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023).
Chính vì vậy, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW, kế thừa quy định hiện hành và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi theo hướng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất và thấp nhất theo mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố theo quy định của Bộ luật Lao động.
Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, cơ quan soạn thảo nhận được hai nhóm ý kiến.
Trong đó, có nhóm ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án 1 nhằm kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn, đây là những khoản tương đối ổn định và được trả thường xuyên.
Nhóm ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án 2 vì theo phương án này thì căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng nhiều khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, như vậy tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các khoản bổ sung khác, hỗ trợ và trợ cấp khác là khoản gì, hoặc quy định Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Việc này để hạn chế, ngăn chặn việc các doanh nhiệp, tổ chức xây dựng, trả tiền lương bao gồm mức lương và các khoản phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, tiền thưởng, hỗ trợ khác nhằm trốn, né đóng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động).
Có ý kiến cho rằng thực hiện theo phương án 1 doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí "gia tăng đột biến” nhưng các cơ quan quản lý phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán ”chậm đóng, trốn đóng...” của một nhóm doanh nghiệp như đã nhận diện thời gian qua.
Còn nếu thực hiện theo phương án 2 căn cứ đóng sẽ tăng lên, sẽ dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng chầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể gây "hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.
Do vậy, đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính hợp lý và khả thi của các phương án; tập trung nhiều vào phân tích phương án 1 kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách bảo hiểm xã hội cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến góp ý, trên cơ sở cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phương án, tính khả thi và hài hòa lợi lích các bên trong bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện phương án trên cơ sở phương án 1.
Tuy nhiên, quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.