lao-dong-viet-nam-di-nhat-ban.jpeg

Tại Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 ngày 5.4, ông Ise Hiroaki, Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) cho biết, hiện có tới 56% thực tập sinh tại Nhật Bản là người Việt. Trung bình số tiền nợ đi Nhật Bản của lao động Việt Nam là 670.000 yen (120 triệu đồng), cao nhất trong các nước phái cử, cao hơn cả Trung Quốc, Campuchia và gấp 4 lần Philippines.

Nguyên nhân khiến các thực tập sinh phải gánh chi phí cao là do có nhiều thông tin sai lệch, còn các hành vi không tuân thủ quy định cấm thu tiền thế chấp, bảo lãnh, về chi phí cho người môi giới đã cấm nhưng nhiều nơi vẫn không tuân thủ.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, từ 2013 đến nay, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tăng nhanh chóng, đặc biệt giai đoạn 2013-2019 tăng gấp 8 lần so với trước.

Theo ông Hương, năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản ký chương trình hợp tác triển khai chương trình kỹ năng đặc định với nhiều quyền lợi dành cho người lao động. Đến tháng 12.2022, đã có 77.000 lao động Việt Nam đi làm việc chương trình kỹ năng đặc định, chiếm tổng số 58% tổng số lao động diện chương trình kỹ năng đặc định đang làm việc tại Nhật Bản.

Đối với chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong hơn 30 năm qua đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện tại, Việt Nam có hơn 200.000 thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn cho lao động Việt Nam, chiếm 25% trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản. Kiều hối chuyển về Việt Nam tương đương 3 tỉ USD. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam phải bỏ ra chi phí 192 triệu đồng để đi làm việc tại Nhật Bản, như vậy chưa tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế về các chi phí lao động phải chi trả. Trong đó, có một số trường hợp bị vướng vào mua bán người, có những người làm việc 7 tháng đến 1 năm để trả trong điều kiện lao động chưa đáp ứng được.

Vì vậy, bà Ingrid Christensen cho rằng cần xóa bỏ các gánh nặng chi phí mà người lao động đang chi trả để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Theo đó, các cơ quan tuyển dụng cần triển khai các dự án hợp tác mang lại môi trường tuyển dụng công bằng, xóa bỏ các chi phí trước khi đi, đảm bảo các tiêu chuẩn bợp đồng đồng đảm bảo hợp lý.

Cùng với việc nâng cao năng lực các cơ quan, là tăng cường sự tham gia của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông qua ký kết bản ghi nhớ với quốc gia tiếp nhận lao động. Các cơ quan tuyển dụng cũng cần tham gia vào chương trình này và cần phải đảm bảo tuyển dụng công bằng, công việc có điều kiện việc làm việc tốt, có cơ chế khiếu nại hiệu quả khi có sự cố xảy ra...

Bà Ingrid Chriestensen cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động. Việt Nam cần khẩn trương xóa bỏ cơ chế tuyển dụng thu phí, thúc đẩy vai trò của các công đoàn, nghiệp đoàn để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Để hạn chế tình trạng lao động phải mất phí cao khi đi lao động tại Nhật, JIFA đã triển khai "Dự án phí 0 đồng" ở Hà Tĩnh từ năm 2014 và đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sang Nhật làm việc.

Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2020, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đã điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tế và sự phát triển của lĩnh vực lao động di cư.

Trong đó, bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động. Doanh nghiệp dịch vụ phải chi trả toàn bộ thù lao theo Hợp đồng môi giới đối với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và không được yêu cầu người lao động hoàn trả một phần khoản tiền này...

 
Theo Tuyết Nhung (Báo Một Thế Giới)